Ngàn kiểu xê dịch không cần máy bay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc giá vé máy bay nội địa liên tục tăng đã trực tiếp ảnh hưởng đến lựa chọn di chuyển của cộng đồng xê dịch. Để vẫn duy trì sở thích này, nhiều người đã đổi phương tiện, đổi điểm đến, thậm chí đổi cả loại hình du lịch.

Tàu hỏa, motorhome và… xe đạp

Chỉ khoảng hai tuần sau ngày 1/3, thời điểm các hãng hàng không ở Việt Nam có thông báo tăng trần vé máy bay nội địa, trên các diễn đàn du lịch đã xuất hiện hàng loạt hướng dẫn du lịch bằng tàu hỏa của những người “sống bằng oxy vùng khác”.

Cùng lúc, những thông tin về việc hãng đường sắt Việt Nam đã cải tiến khoang khách và chế độ dịch vụ khiến nhiều người chọn lựa cách di chuyển chậm này thay vì phải chi gấp ba số tiền cho vé máy bay.

Ngàn kiểu xê dịch không cần máy bay ảnh 1

Du lịch bằng xe đạp đã trở thành trend trong giới trẻ.

Tùng Mun, một phượt thủ nổi tiếng, sau chuyến phượt đường dài cung Bắc - Nam bằng tàu hỏa đã có một bài viết hướng dẫn chi tiết cách di chuyển bằng tàu hỏa khoang 4 thu hút tới hơn 10.000 lượt tương tác. Hiệu ứng truyền miệng này tạo ra một sự lan tỏa rộng rãi khi ngày càng nhiều người chia sẻ những trải nghiệm du lịch bằng tàu hỏa của họ: “Tàu hỏa đem lại những cảm xúc khác hẳn khi đi máy bay”; “Lần đầu đi tàu mới thấy đất nước mình đẹp quá”; “Tuổi còn trẻ, chân còn khỏe, nhất định phải đi tàu Bắc Nam một lần nhé”; “Riêng chuyện trẻ em dưới 6 tuổi được miễn vé đã là một hấp dẫn cực lớn với những gia đình có con nhỏ”; “Nếu tính toán tốt còn có thể tiết kiệm tiền khách sạn vì tàu chạy đêm”…

Hiện chưa có thống kê chính xác, nhưng theo một nhân viên của hãng đường sắt, lượng khách mua vé tàu từ sau Tết tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính, số lượng vé bán ra sẽ có thể còn lập kỷ lục mới khi mùa nghỉ hè của học sinh sắp đến gần.

Cũng từ năm ngoái, loại hình xe motorhome bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, nhiều gia đình đã chọn phương tiện này để “mang theo cả cái nhà trên đường thiên lý”. Một điều hiếm có, đoạn trailer về ngôi nhà di động bên trong cái xe tải đường dài của bố con nam chính trong bộ phim ế ẩm “578: Phát đạn của kẻ điên” được đào lại, trở thành clip “truyền cảm hứng” cho những người còn đang đắn đo. Hội những người “mê di chuyển bằng motorhome” từ ban đầu chỉ có 740 thành viên, sau hơn một năm đã tăng thành 36.000 thành viên.

Ngàn kiểu xê dịch không cần máy bay ảnh 2

Vé máy bay đắt khiến nhiều người chọn cách du lịch bằng tàu hỏa.

Kỹ sư Anh Tuấn, người từng “độ” hàng chục chiếc Motorhome và Camper Van cho biết: “Motorhome và Camper Van là những dạng xe cắm trại chuyên dụng được thiết kế đầy đủ tiện nghi, công năng, giống như một ngôi nhà thực thụ. Loại xe này có nhiều kích cỡ, bề dài dao động từ 6-14m, giá thành từ vài trăm đến cả tỷ đồng, là lựa chọn của nhiều người mê du lịch. Với tính linh hoạt của mình, xe motorhome cho phép du khách tự do di chuyển và dừng lại ở bất kỳ địa điểm nào họ yêu thích và có mong muốn khám phá”. Cũng theo anh Tuấn, từ năm 2021 đến nay, thị trường Việt Nam đã xuất hiện hàng chục cơ sở lắp ráp, nhập khẩu xe Motorhome.

Anh Huỳnh Kiên, người sáng lập nhóm “mê motorhome” cho biết, sau khi được cuốn tiểu thuyết “Sáu người đi khắp thế gian” của nhà văn từng được giải Pulitzer James Michener truyền cảm hứng, anh đã quyết định mua một chiếc motorhome nhập khẩu và gắn bó với loại phương tiện này đến nay là bước sang năm thứ tư. “Cơ động, tiết kiệm và kích thích vô cùng. Tôi luôn có cảm giác của một tay “giang hồ thượng hạng” khi di chuyển với cả một ngôi nhà sau lưng. Từ ngày có xe, tất cả mọi dịp nghỉ từ ngắn đến dài, chúng tôi đều trên từng cây số. Ngoài đi cùng gia đình, thì bạn bè tôi cũng rất thích loại phương tiện này. Đến nay, đã có 3 người bạn thân của tôi cũng sở hữu motorhome”.

Một cách du lịch khác, bản thân người viết bài này từng nhiều lần trực tiếp chứng kiến. Trong chuyến đi bằng ô tô vào Đà Nẵng, ở các chặng nghỉ ven biển, chúng tôi thường gặp rất nhiều phượt thủ dùng xe đạp làm phương tiện để du lịch. Có người đi thành nhóm, có người đi một mình. Sau xe của họ có đủ từ bơm xe, chăn màn, lều bạt cho đến lương khô để nếu nhỡ đường thì có thể “ngả bàn đèn” ở ngoài trời. Tại khu di tích Hoành Sơn Quan trên Đèo Ngang, chúng tôi chạm mặt anh Nguyễn Văn T, anh T đi du lịch một mình, “để chữa lành”, như lời anh tâm sự. Theo đó, anh T lên cung đường cho mình từ Quảng Nam ra Hà Nội dọc theo các bờ biển để tránh xe tải. Gặp mỗi danh lam thắng cảnh anh đều dừng lại. Nếu đi đêm, không thấy nhà nghỉ, khách sạn, anh sẽ căng lều dã ngoại. Trung bình mỗi ngày anh T đi được 70km. Vì không có nhiều thời gian, anh dự định ra đến Hà Nội thì sẽ đi máy bay về.

Được biết, trước đó anh T không có nhiều kinh nghiệm du lịch đường dài bằng xe đạp. “Nhưng giờ thông tin nhiều lắm, riêng các hội nhóm phượt bằng xe đạp trên facebook đã có hàng chục cái. Tôi đăng ký tham gia rồi hỏi kinh nghiệm mọi người, đi rồi thì thấy cũng dễ chứ không khó”, anh T nói.

Ngàn kiểu xê dịch không cần máy bay ảnh 3

Motorhome là một giải pháp du lịch tiết kiệm đang được nhiều người Việt hưởng ứng.

Chuyển hướng du lịch trải nghiệm

“Không liên quan đến vé máy bay nhưng từ năm kia chúng tôi đã chuyển hướng du lịch, từ nghỉ dưỡng sang trải nghiệm. Lúc ấy, nghe theo một người bạn, vợ chồng tôi chọn cung leo núi Pu Ta Leng xuyên qua cánh rừng nguyên sinh thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vào đúng tháng 3. Lúc này, trên Pu Ta Leng hoa đỗ quyên đang rộ. Ban đầu, khi lên kế hoạch, hai vợ chồng chỉ định trek (đi bộ đường rừng) qua những lối mòn đi xuyên rừng. Về sau càng leo càng ham vì hoa nở rộ đẹp quá, chúng tôi cũng chạm đến nóc Pu Ta Leng. Chuyến ấy về, vợ tôi đau chân mất nửa tháng, nhưng từ đó chúng tôi quyết định dành nhiều thời gian để khám phá Tây Bắc thay vì cứ chọn đại một bãi biển miền Trung và nghỉ lại đó cả tuần”. Anh Trần Thanh Linh (Hà Nội) chia sẻ trên diễn đàn của những người thích du lịch trải nghiệm.

Đại diện của công ty du lịch PYS có trụ sở chính ở Hà Nội cho biết, từ sau đại dịch Covid, số lượng người đăng ký các tua gần, chỉ phải di chuyển bằng ô tô tăng đột biến. Khách nội địa và cả quốc tế tỏ ra đặc biệt yêu thích các điểm đến ở vùng núi phía Tây Bắc và Đông Bắc. Xu hướng du lịch “trèo đèo lội suối” hiện đang được các bạn trẻ và những người ưa khám phá lan tỏa rộng rãi. Đặc biệt ở thời điểm vé máy bay tăng mạnh như hiện nay, số lượng tua trải nghiệm bằng đường ô tô càng tăng mạnh.

Cùng với sự bão hòa của lối du lịch nghỉ ngơi - thư giãn - hưởng thụ và mua sắm, việc trải nghiệm tối đa trên từng cung đường, hòa nhập trọn vẹn với thiên nhiên hoang dã, chấp nhận "hành xác" để kích hoạt khả năng thích nghi của bản thân đã trở thành trào lưu dịch chuyển mới mẻ được những tín đồ đam mê khám phá đặc biệt yêu thích. Cộng thêm việc vé máy bay đột ngột tăng mạnh, nhiều hãng tổ chức tua cho biết, hiện họ đã kín lịch đăng ký các tua trải nghiệm rừng, núi bằng ô tô vào dịp nghỉ lễ 30-4, nhất là năm nay, kỳ nghỉ kéo dài tận 5 ngày.

Trong rất nhiều các diễn đàn du lịch tự túc, nhiều gia đình trẻ chia sẻ, họ cũng bắt đầu chuyển hướng du lịch trải nghiệm, để giúp con, em mình khám phá thiên nhiên và học thêm các bài học sinh tồn. Ngoài trekking đường núi, hiện nay, nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm “không cần vé máy bay” đang được tích cực lan tỏa như: đạp xe xuyên rừng, xuyên vườn quốc gia; cắm trại dã ngoại; tập làm người bản địa…

“Thay vì đi du lịch theo tua hay đến những địa điểm đã quá phồn thịnh về du lịch. Tôi tự thực hiện một chuyến đi mang phong cách của riêng mình. Xách con xe máy lên, đèo thêm một đứa bạn, chạy thẳng từ Hà Nội về với Hà Tĩnh. Lạc vào một làng chài ven biển, xin vào nghỉ nhờ nhà người dân, sáng mai cùng họ đi bắt cá. Thế mà đó lại là chuyến đi đáng nhớ nhất trong nhiều năm nay của tôi. Về sau tôi mới biết lợi ích của loại du lịch này. Nó không chỉ giúp tôi phải tự thân vận động, mà còn đem lại tự do tối đa vì không có bất kỳ luật lệ hay quy định nào ràng buộc”, chia sẻ của phượt thủ Nguyễn An Lý hiện đang trở thành trend trong nhóm gen Z vì đã “có công khiến vé máy bay tăng phi mã không ngăn cản được việc mình xách ba lô lên và đi”.

MỚI - NÓNG