Ngân hàng khó vốn cả vào lẫn ra

Ngân hàng khó vốn cả vào lẫn ra
TP - Tiền gửi huy động không tăng, thậm chí còn có dấu hiệu sụt giảm với VND. Doanh nghiệp sản xuất dù được ưu tiên vay vốn vẫn vò đầu, bứt tai kêu khó tiếp cận. Chính sách tín dụng tiếp tục thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, cung tiền bị hạn chế tối đa khiến cả thị trường ngân hàng đang mệt mỏi...
Sản xuất sẽ bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: Hồng Vĩnh
Sản xuất sẽ bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lãi cao tiền vẫn không vào

So với cuộc đua lãi suất giữa tháng 4 (chỉ hạn chế trong việc liên hệ với khách quen, người đã có sổ tiết kiệm), cuộc đua lãi suất huy động lần này đã nhân rộng cả với những khách hàng lạ qua hình thức gọi điện. Nhân viên giao dịch một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ: Chỉ cần có 200 triệu đồng đến gửi, khách hàng có thể hưởng mức lãi suất lên tới 18%/năm, còn với 1 tỷ đồng là mức trên 19%/năm.

Để chi trả cho phần chênh lệch lãi suất giữa 14%/năm theo quy định và 18% đến 19%/năm các ngân hàng tìm cách “lách” riêng. Phổ biến nhất là trả lãi 14%/năm vào cuối kì, 4% còn lại, chi trả trực tiếp ngay khi khách hàng đến gửi tiền dưới hình thức làm phiếu quà tặng.

Lãi suất huy động VND được các ngân hàng phá rào khiến một bộ phận dân cư có thói quen gửi tiết kiệm khá hồ hởi. Tuy nhiên, nhìn chung, lãnh đạo các ngân hàng đều đau đầu vì lượng tiền huy động vẫn không tăng (thống kê từ NHNN, tính đến cuối tháng 4, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 1,09% so với tháng trước; trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1,84%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,46%). Phó tổng giám đốc một tổ chức tín dụng phụ tại Hà Nội chia sẻ: Tỷ trọng nguồn vốn dài hạn và ổn định có chiều hướng giảm mạnh, gia tăng sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn trên thị trường 2 (liên ngân hàng) để đảm bảo thanh khoản. “Nói chung đang ở giai đoạn cực kỳ mệt mỏi” - Ông thừa nhận.

TS Nguyễn Thị Mùi - Hiệu trưởng trường Đào tạo Nhân lực của Viettinbank phản ánh: “Các ngân hàng thương mại phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh nguồn tiền gửi của doanh nghiệp - chiếm tỷ trọng đáng kể trong nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.

Chỉ đơn cử tại Viettinbank, tính đến ngày 28-4-2011, lượng tiền gửi của doanh nghiệp đã giảm tới 17,09% so với thời điểm 31-12-2010; còn so với ngày 31-3-2011, tức chỉ cách đó một tháng, con số này đã giảm 5,77%. “Bản thân Vietinbank cũng đang phải khẩn trương thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm ứng phó kịp thời và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả cao thời gian tới”- Bà Mùi nói.

Nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn khi huy động đầu vào (Ảnh minh họa) Ảnh: N.Hà
Nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn khi huy động đầu vào (Ảnh minh họa) Ảnh: N.Hà.

Vay kinh doanh sản xuất: Không dễ

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp” ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) viện dẫn kết quả điều tra mới đây của Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết: chỉ có 1/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ VN có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 2/3 còn lại trong tình trạng khó và không tiếp cận được.

Trong khi đó nghiên cứu của VCCI cho thấy, có đến 75% doanh nghiệp muốn tìm đến vốn bằng hình thức truyền thống là vay ngân hàng. Theo ông Lộc, hiện nay mức lãi suất trần huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước quy định đối với các ngân hàng thương mại là 14%/năm, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khoảng 17-18%/năm song cuộc chạy đua huy động vốn giữa các ngân hàng thương mại đã “phá rào”, đẩy lãi suất huy động vốn lên 15-19%/năm, đồng nghĩa lãi suất cho vay từ các ngân hàng bị đẩy lên 20-22%.

“Một số ngân hàng còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay có thể lên tới 27% khiến không ít doanh nghiệp không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Đây là một nghịch lý khi mà Nghị quyết 11 của Chính phủ vừa qua đã xác định nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy sản xuất kinh doanh: kiềm chế tín dụng tăng dưới 20% nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh hiệu quả”- Ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Lý, giám đốc một DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chia sẻ: để làm ra một đơn vị sản phẩm trước đây chỉ cần 30 đồng thì giờ phải 60 đồng (vì giá các mặt hàng có liên quan đều tăng) trong khi hạn mức tín dụng vẫn giữ là 30 đồng. Chưa kể lại thêm thắt chặt tăng trưởng tín dụng xuống còn dưới 16%, có nghĩa là chỉ vay bằng 1/2 nhu cầu sản xuất, dẫn đến khó khăn cho DN. Ông Lý cũng thừa nhận và thông cảm cho cái khó của ngân hàng khi rõ ràng nhìn thấy dòng tiền vào ngân hàng không lên dù có những ngân hàng huy động với lãi suất 19%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG