Làm sạch môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết. Tranh minh họa
Dấu hiệu đặc trưng của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết lưu hành ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, bệnh dễ gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt đột ngột, sốt cao trên 38,5oC, kéo dài từ 5-7 ngày với các triệu chứng đau đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban, có ban xuất huyết, đốm xuất huyết hoặc chảy máu và có thể sốc do mất máu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi và có tới 2 – 2,5% trong số mắc đã tử vong. Năm 2014, sốt xuất huyết vẫn lưu hành với tỷ lệ cao tại nhiều quốc gia, trong đó Malaysia tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Tại nước ta, sốt xuất huyết được đưa vào là một trong những bệnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Bệnh thường tập trung ở các tỉnh miền Nam, miền Trung. Mỗi năm trung bình nước ta có khoảng 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và có khoảng 100 người tử vong vì bệnh này.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 10.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành. Số bệnh nhân mắc giảm so với cùng kỳ năm trước tới hơn 40% nhưng bệnh cũng đã cướp đi sinh mạng của 7 người.
Ổ dịch có thể nằm ngay trong nhà
Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện chưa có thuốc và vắc xin điều trị sốt xuất huyết, trong khi đó tập quán của nhiều người dân là hay dự trữ nước trong các thùng, chum, vại... Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường, phòng bệnh còn yếu nên khả năng xảy ra dịch là rất lớn.
Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy/loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc và số tử vong.
Trong gia đình, có rất nhiều nơi muỗi có thể sinh sản như bể, chum chứa nước ăn hay thậm chí là các bình hoa tươi, ngăn đựng nước xả sau tủ lạnh...
Bộ Y tế đưa ra nhiều khuyến cáo tập trung chủ yếu vào công tác vệ sinh các dụng cụ chứa nước. Theo khuyến cáo này, người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần cần diệt bọ gậy/loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước cho bình hoa thường xuyên; đổ nước ngăn xả sau tủ lạnh thường xuyên hoặc bỏ muối vào, các bát nước kê chân chạn thì cần bỏ dầu hoặc muối để ngăn chặn việc muỗi đẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo: Hàng tuần, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ...
Ngoài những biện pháp trên thì một điều rất quan trọng là cần ngủ màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt. Người dân cũng cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch và khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị, không điều trị tại nhà.