Nga - Ukraine và mối lương duyên ngàn năm

TP - Ngày 16/10, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký quy chế đặc biệt vùng Donbass thời hạn 3 năm. Đạo luật được xem là chiến thắng tượng trưng cho lực lượng ly khai. 
Nga - Ukraine và mối lương duyên ngàn năm ảnh 1

Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) và Tổng thống Nga Putin.

Cũng giống Crimea sau trưng cầu dân ý hồi tháng 3, câu hỏi đặt ra là Nga thực sự muốn sáp nhập phần lãnh thổ mà Ukraine gọi là Donbass? Lật lại lịch sử nước Nga cổ thế kỷ 9, khi đó tồn tại với tên gọi Kievxkaya Rus. Phần lớn diện tích Ukraine ngày ấy và nay nằm trọn trong Kievxkaya Rus với thủ đô là Kiev. Và tên Ukraine cũng chỉ xuất hiện năm 1187, theo tiếng Đông Slaves là “Vùng đất bên lề”.

Lịch sử trao Ukraine tên gọi và “tiên tri” luôn bi kịch quốc gia này. Hơn 1.000 năm, từ thế kỷ 9 đến 20, Ukraine liên tục bị chia cắt và cát cứ bởi Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Latvia. Thậm chí, thế kỷ 13, Ukraine từng bị Mông Cổ và Tatar xâm lược. Thế kỷ 18, trong nỗ lực khôi phục lãnh thổ nước Nga cổ, Pierre Đại đế quyết chiến hai cựu thù Ottoman và Thụy Điển để thống nhất Nga, Ukraine và Belarus thành đế quốc hùng cường.

Hơn 100 năm sau, Ukraine lại bị chia cắt giữa Nga và Áo-Hung. Đầu thế kỷ 20, Ukraine giành độc lập sau Thế chiến thứ nhất và không lâu sau đó gia nhập Liên Xô. Liên Xô sụp đổ, Ukraine tuyên bố độc lập ngày 24/8/1991. Sau gần 1/4 thế kỷ, Ukraine lại đứng trước sự chia tách khi Crimea, tiếp đến là Donetsk, Lugansk chủ trương độc lập.

Tuy vậy, sau Crimea, Moscow dường như không muốn trao cơ hội cho Donetsk và Lugansk. Thứ nhất, Crimea có vị trí quan trọng hướng ra biển Đen. Trong đó, Sevastopol nằm trên bán đảo Crimea là căn cứ chiến lược của Nga, là trung tâm giúp Moscow hoạch định sức mạnh hải quân phạm vi toàn cầu. Không ít luận điểm cho rằng, quyết định can thiệp vào Ukraine của Nga là bảo vệ Sevastopol. Vị trí địa lý cũng giúp vùng Donbass trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của Ukraine, với GDP bình quân đầu người cao hơn hẳn các vùng khác.

Ngân sách Ukraine gần như trống rỗng, nếu mất Donesk và Lugansk, không chỉ chính quyền mà quốc gia này cũng đứng bên bờ tan rã. Bản thân người Nga không hề muốn Ukraine sụp đổ, nhất là khi cuộc trả đũa kinh tế qua lại giữa Moscow và phương Tây chưa có hồi kết quanh việc Nga sáp nhập Crimea.

Thứ hai, phần lớn cư dân Crimea là người Nga, khoảng 1,2 triệu, tương đương 58,5% dân số. Thậm chí, thành phố lớn nhất ở Crimea, Sevastopol, có 70% người Nga. Điều đó lý giải vì sao Crimea sớm tách khỏi Ukraine, gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu chóng vánh. Donetsk và Lugansk chiếm hơn 60% dân số Ukraine, song người Nga ở vùng này chưa tới 30%.

Bài học lịch sử chứng minh, một khi Donetsk và Lugansk với đa số người gốc Ukraine gia nhập Nga, thì Moscow có thể đối mặt với ly khai trong tương lai. Thứ ba, nếu như trước khi vào Nga, Crimea tồn tại như một nước cộng hòa tự trị và trước 1954 là một phần lãnh thổ của Nga, về mặt pháp lý còn có căn cứ để rời khỏi Ukraine, thì Donbass không có được điều đó.

Nói như vậy để thấy, Nga có thể không đưa Donbass của Ukraine vào Liên bang. Tuy nhiên, trong bối cảnh Kiev ngả về phương Tây, không ngạc nhiên nếu Moscow ủng hộ liên minh Donetsk và Lungansk dưới lá cờ “Novorossiya”, tạo vùng đệm an toàn giữa họ và “Vùng đất bên lề”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.