Hãng Lenta ngày 28/4 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết, kế hoạch về hạm đội Biển Đen của NATO sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh và ổn định trong khu vực, và “Moscow buộc phải có phản ứng thích hợp để đảm bảo an ninh của Liên bang”.
“Tuy kế hoạch (thiết lập hạm đội Biển Đen của NATO) chưa đề cập đến các giải pháp thực tế, nhưng nếu chúng được triển khai, tất nhiên, sẽ không góp phần vào việc duy trì Biển Đen như là một khu vực hòa bình và quan hệ láng giềng tốt”, bà Zakharov nhấn mạnh.
Hôm 22/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố rằng, Kiev ủng hộ nhiệt liệt sự tăng cường hiện diện của hải quân NATO trên Biển Đen và đang xem xét khả năng tham gia sáng kiến của khối này về việc thành lập Hạm đội Biển Đen của NATO.
Tuyên bố trong buổi họp báo, sau cuộc gặp với tổng thống Romania, Tổng thống Ukraine nhấm mạnh, tình hình an ninh ở khu vực Biển Đen đã thay đổi đáng kể, đòi hỏi những giải pháp mới, đề xuất mới, phương pháp mới nhằm giữ gìn an ninh và ổn định ở khu vực này.
Ông Poroshenko nhấn mạnh, Ukraine cam kết hỗ trợ sáng kiến của Romania và sẵn sàng tham gia hạm đội chung trong khu vực Biển Đen, sau khi sáng kiến này được NATO chính thức phê duyệt, nhằm tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của Nga.
Trong khi đó, chính quyền Bucharest cũng khẳng định về sự cần thiết phải tăng cường tàu chiến của hải quân Mỹ, Đức, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen trên cơ sở Hiệp ước Montreux.
Hiệp ước Montreux, ký ngày 21/7/1936 với sự tham gia của Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Bulgaria, Romania, Hy Lạp, Nam Tư, Australia và Nhật Bản, trong đó quy định thời gian lưu trú của các tàu chiến thuộc các quốc gia không có chủ quyền trên Biển Đen tối đa là 21 ngày.