Đây là lần đầu tiên Nga nêu chi tiết yêu cầu mà họ cho là cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng ở châu Âu và tháo ngòi căng thẳng vì Ukraine, sau khi phương Tây cáo buộc Nga tập hợp lực lượng gần biên giới để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào quốc gia láng giềng.
Danh sách yêu cầu mà Nga đưa ra bao gồm cả những điều mà phương Tây đã gạt bỏ, trong đó có quyền phủ quyết của Nga khi Ukraine xin gia nhập NATO.
Những yêu cầu khác gồm loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu và rút các tiểu đoàn đa quốc gia của NATO khỏi Ba Lan và các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania.
Tại Washington, một quan chức cấp cao trong chính quyền nói rằng Mỹ đang chuẩn bị bàn về các đề xuất, nhưng khẳng định: “Có một số điều trong những tài liệu đó mà người Nga biết là không thể chấp nhận được”.
Vị quan chức nói rằng Washington sẽ phản hồi vào khoảng tuần sau với những đề xuất cụ thể hơn về hình thức đàm phán.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng Washington sẽ bàn bạc với các đồng minh. “Chúng tôi sẽ không thoả hiệp với những nguyên tắc chìa khoá vốn là cơ sở cho an ninh của châu Âu, bao gồm việc tất cả các quốc gia có quyền tự quyết định tương lai và chính sách đối ngoại của họ, không bị ảnh hưởng từ sự can thiệp bên ngoài”, bà nói.
Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao NATO nói rằng Nga không thể có quyền phủ quyết đối với việc mở rộng của liên minh này và NATO có quyền quyết định thế trận quân sự của mình.
“Nga không phải thành viên của NATO và không quyết định những vấn đề liên quan đến NATO”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng nước này có “quyền chủ quyền” đối với chính sách đối ngoại của mình, và chỉ bản thân họ và NATO có thể quyết định quan hệ giữa hai bên, bao gồm vấn đề tư cách thành viên của Ukraine.
Kiev thúc giục Mátxcơva trở lại tiến trình hoà bình ở miền đông Ukraine, nơi đã có khoảng 15.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga.
Một số nhà phân tích chính trị phương Tây gợi ý rằng Nga chủ ý đưa ra những yêu cầu mà Mỹ và NATO sẽ không chấp nhận, trong khi vẫn duy trì sức ép quân sự với Ukraine.
“Có điều gì không ổn với tình hình này, các diễn biến chính trị giống như một màn khói”, ông Michael Kofman, một chuyên gia về Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA tại Virginia, viết trên Twitter.
Sam Greene, giáo sư nghiên cứu về chính trị Nga tại trường King’s College London, cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “đang vẽ giới hạn quanh khu vực hậu Liên Xô và dựng biển cấm vào”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng Nga và phương Tây cần bắt đầu từ một trang giấy trắng để xây dựng lại quan hệ.
“Đường lối mà Mỹ và NATO theo đuổi trong những năm qua để leo thang tình hình là điều không chấp nhận được và cực kỳ nguy hiểm”, ông Ryabkov nói với báo chí.
Ông cho biết Nga không sẵn sàng để tình hình hiện nay kéo dài thêm, đồng thời thúc giục Washington sớm phản hồi một cách xây dựng.