Các chuyên gia nói rằng bước đi này sẽ giúp hai nước tránh bị Chính phủ Mỹ sử dụng thẩm quyền "cánh tay dài" đối với hệ thống thanh toán quốc tế mà đồng USD thống trị.
Trong cuộc hội đàm ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong hệ thống của nhau và mở rộng hợp tác để các nhà đầu tư Nga và Trung Quốc tiếp cận thị trường chứng khoán của nhau, ông Yuri Ushakov, cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, cho biết.
Ông Ushakov nói rằng hai bên “đặc biệt chú ý đến sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực hình thành một hệ thống hạ tầng tài chính độc lập để phục vụ các hoạt động thương mại giữa Nga và Trung Quốc”.
“Ý của chúng tôi là tạo ra một hạ tầng không bị ảnh hưởng từ bên thứ ba”, ông Ushakov cho biết.
Bước đi này có vẻ là cách Nga đáp trả hàng loạt đe doạ của Mỹ rằng Washington sẽ chặn Mátxcơva khỏi hệ thống tài chính SWIFT trụ sở tại Brussels để trừng phạt nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn lời ông Li Xin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, giải thích rằng hầu hết giao dịch song phương giữa Trung Quốc và Nga hiện nay vẫn bị đồng đô la Mỹ thống trị và giao dịch qua hệ thống SWIFT, nghĩa là Mỹ có thể chặn bất kỳ giao dịch nào giữa Nga và Mỹ hoặc chặn hoàn toàn hai nước khỏi hệ thống giao dịch thương mại quốc tế.
“Vì thế Trung Quốc và Nga cần lập ra hệ thống thông tin tài chính riêng để tự bảo vệ mình trước sự bao vây của Mỹ”, ông Li nói.
Cả Trung Quốc và Nga đều đang thúc đẩy các hệ thống thanh toán của riêng mình.
Trung Quốc triển khai Hệ thống thanh toán liên ngân hàng qua biên giới (CIPS) từ năm 2015. Đây là một hệ thống xử lý thanh toán độc lập sử dụng đồng nhân dân tệ. Tương tự, Nga đang phát triển Hệ thống chuyển thông điệp tài chính SPFS.
Theo ông Li, với hai hệ thống này, Nga và Trung Quốc sẽ dễ dàng xây dựng một hệ thống tài chính kết nối hai quốc gia, và bước tiếp theo sẽ là chọn là loại tiền tệ sẽ được sử dụng.
Ông Li cho rằng sau khi hệ thống đó được triển khai, nhiều công ty châu Âu sẽ nối lại làm ăn với Nga sau thời gian bị Mỹ ngăn cản.