Phía sau cuộc ông Putin gặp ông Tập Cận Bình

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tass
TP - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/12 gặp mặt trực tuyến, tìm kiếm sự ủng hộ lẫn nhau trong cuộc xung đột với phương Tây, nhưng chưa tuyên bố liên minh chính thức, The New York Times đưa tin.

Theo video quay phần mở đầu cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến do Kremlin công bố, Tổng thống Putin nói ông sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh vào tháng 2/2022, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên xác nhận sẽ tham dự sự kiện này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Úc, Canada, New Zealand… tuyên bố tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

Theo Kremlin, trong cuộc gặp, ông Tập thể hiện ủng hộ yêu cầu của ông Putin về “bảo đảm an ninh” từ phương Tây, cụ thể là phải để Nga duy trì ảnh hưởng ở Đông Âu. Động thái thúc đẩy ngoại giao nhanh chóng, cùng với việc di chuyển quân gần biên giới tây nam của Nga khiến các quan chức phương Tây lo ngại rằng, Nga sẽ đưa quân vào Ukraine trong những tháng tới.

Kremline nói rằng, trong cuộc gặp online kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, ông Putin đồng ý với quan điểm của ông Tập chỉ trích hoạt động quân sự phương Tây ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như thỏa thuận Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự ủng hộ của Mỹ và Anh.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 15/12, ông Putin và ông Tập nói chuyện với hình ảnh quốc kỳ Nga và Trung Quốc phía sau họ. Trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Putin nói chuyện bên cạnh cờ Nga, không thấy sự xuất hiện của cờ Mỹ, The New York Times đưa tin.

Nga và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ đối tác kinh tế, quân sự và địa chính trị gần gũi hơn dưới thời của ông Putin và ông Tập. Hai nước càng lúc càng giống một khối thống nhất chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong bối cảnh mức độ đương đầu với Mỹ gia tăng, The New York Times nhận định. Ông Tập nói với ông Putin rằng, trong khi Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh chính thức, “mức độ gần gũi và hiệu quả của mối quan hệ này thậm chí còn vượt cả một liên minh”, một trợ lý Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, nói với các phóng viên ở Mátxcơva sau khi cuộc gặp thượng đỉnh kết thúc.

Thời điểm nhiều sức nóng

Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm nhiều sức nóng. Bà Karen Donfried, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Âu và Á-Âu, ở Mátxcơva hôm 15/12 để thảo luận về vấn đề Ukraine; các quan chức Nga đưa ra đề xuất rằng, phương Tây phải chấm dứt ủng hộ quân sự đối với Ukraine và loại bỏ khả năng kết nạp Ukraine hoặc những nước khác trong khu vực vào liên minh NATO. Ông Tập “nhấn mạnh rằng ông hiểu mối quan tâm của Nga và hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của chúng tôi về việc đảm bảo an ninh cho Nga”, ông Ushakov nói.

Ngoài ra, cũng có tín hiệu cho thấy, trong khi Mỹ và các đồng minh đe dọa trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga nếu Nga tấn công Ukraine, Nga có nhiều nước bè bạn khác trên thế giới. Chuyến thăm của Tổng thống Nga tới thủ đô New Delhi tuần trước để gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gửi đi thông điệp tương tự.

Hôm 15/12, ông Putin và ông Tập thậm chí thảo luận việc thành lập một “hạ tầng tài chính độc lập”, ông Ushakov nói. Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của Nga và Trung Quốc vào các ngân hàng phương Tây và khả năng dễ bị tổn thương của hai nước trước các lệnh trừng phạt.

“Một mô hình hợp tác mới giữa hai nước chúng ta đã được thành lập. Một mô hình dựa trên các nền tảng như không can thiệp công việc nội bộ và tôn trọng lợi ích của nhau”, ông Putin nói với ông Tập. Cả Nga và Trung Quốc thường xuyên cáo buộc phương Tây can thiệp công việc nội bộ của các nước khác và không tôn trọng lợi ích của họ.

Với ông Tập, cuộc gặp thượng đỉnh là cơ hội để làm chệch hướng những lời chỉ trích nhằm vào các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ở vùng biên giới núi cao với Ấn Độ, The New York Times nhận định. Ông Tập hy vọng thể hiện một Trung Quốc không bị cô lập về mặt ngoại giao, đặc biệt trước thềm Olympic Bắc Kinh. Thông qua sự kiện thể thao này, Trung Quốc dự kiến thể hiện tầm vóc toàn cầu của mình, chứ không phải quan hệ xấu đi của nước này với nhiều nước khác trên thế giới.

“Tôi trông đợi cuối cùng sẽ gặp mặt ông trực tiếp ở Bắc Kinh vào tháng 2 năm sau. Chúng ta luôn hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hợp tác thể thao quốc tế, bao gồm việc không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa thể thao hoặc phong trào Olympic”, ông Putin nói với ông Tập.

Hôm qua, ông Tập và ông Putin gặp thượng đỉnh trực tuyến lần thứ 2 trong năm nay và là lần thứ 37 kể từ năm 2013. Dù có lợi thế về sức mạnh Mỹ cũng không thể đè bẹp được Trung Quốc hoặc Nga, The Global Times nhận định ngày 15/12.

Ông Cheng Xiaohe, giáo sư Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đem lại cơ hội cho lãnh đạo hai nước thể hiện “sự ủng hộ lẫn nhau và cùng đương đầu” với Mỹ. Điều này đặc biệt đúng trong thời điểm kinh tế không chắc chắn và căng thẳng quốc tế gia tăng. “Cả Trung Quốc và Nga đối mặt cùng áp lực từ Mỹ. Vì thế, hai nước cần ủng hộ lẫn nhau về ngoại giao”, ông Cheng nói.

Phía sau cuộc ông Putin gặp ông Tập Cận Bình ảnh 1
Trẻ em nô đùa trong Tháp Olympic Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh diễn ra vào tháng 2/2022. Ảnh: Getty Images

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ông Putin và ông Tập gặp gỡ hoặc nói chuyện thường xuyên, dù chỉ dưới hình thức trực tuyến. Điều bất thường trong cuộc gặp ngày 15/12 là nỗ lực của Trung Quốc để báo trước thông điệp của họ. Theo lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tuần, “sự phối hợp chiến lược gần gũi” giữa hai nước là rất cần thiết trong thế giới biến động hiện nay.

Nga và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ sau nhiều thập kỷ nghi ngờ và một trận đụng độ biên giới gần thành phố Khabarovsk của Nga vào năm 1969. Khi Nga đối mặt sự trừng phạt của phương Tây sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ông Putin quyết định tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực năng lượng và gỗ xẻ. Cũng trong năm đó, dư luận Nga về Trung Quốc cải thiện rõ rệt. Giờ đây, 70% người Nga có thái độ tích cực đối với Trung Quốc, theo đơn vị thăm dò dư luận độc lập Trung tâm Levada. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với thái độ tích cực của người Nga đối với Mỹ, Liên minh châu Âu hoặc Ukraine.

Quân đội Nga và Trung Quốc cũng tăng cường tập trận chung, thậm chí tham gia các chiến dịch chung, bao gồm các hoạt động trên không và hồi tháng 10 lần đầu tiên hải quân tuần tra chung ở Thái Bình Dương. Hai bên cũng cam kết cùng thăm dò không gian vũ trụ.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh ngày 15/12, ông Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga, nói rằng, một trạm mặt trăng Nga-Trung Quốc được đề xuất xây dựng và “sẽ dựa trên nguyên tắc đối tác bình đẳng, minh bạch và đồng thuận trong quá trình ra quyết định”, trái ngược với các điều khoản do Mỹ đặt ra trong dự án trạm vũ trụ trên Mặt trăng của họ.

“Sự trung lập mềm mại”

Dù vậy, theo báo Mỹ, vẫn có giới hạn đối với mặt trận thống nhất này. Ví dụ, Trung Quốc chưa bao giờ công nhận việc sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như Nga chưa bao giờ đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Hai nước cũng không tự ràng buộc mình vào một liên minh hiệp ước chính thức, mà muốn duy trì khả năng hành động độc lập và linh hoạt.

Kim ngạch thương mại Trung Quốc - Nga trong 3 quý đầu năm nay lần đầu tiên đạt 100 tỷ USD, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/12. Hợp tác toàn diện thực chất giữa hai nước thể hiện sức mạnh chính trị và tiềm năng to lớn, Xinhua dẫn lời ông Tập nói với ông Putin.

“Tôi nghĩ rằng, chưa đến thời điểm mà Bắc Kinh sẽ tán thành bất kỳ hành động mạo hiểm nào ở Ukraine, cũng như chưa tới lúc Nga sốt sắng đứng về phía Trung Quốc nếu Trung Quốc quyết định tấn công Đài Loan”, ông Sergey Radchenko, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Cardiff (Anh), nhận định. Ông Radchenko đã viết nhiều sách và bài báo về quan hệ Nga-Trung Quốc. “Tôi nghĩ hai bên sẽ thể hiện mức độ trung lập mềm mại với nhau”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.