Từ cánh đồng đến bàn ăn
Ai cũng biết hạt gạo là thành phẩm từ cây lúa, muốn làm ra hạt gạo lẽ dễ hiểu là bắt đầu từ trồng lúa. Hợp tác cùng nông dân và hợp tác xã, thực hiện bao tiêu đầu ra là giải pháp của Tân Long – doanh nghiệp vừa có sản phẩm gạo AAN đạt Top 10 Sản phẩm & Dịch vụ Tin Dùng năm 2020 do người tiêu dùng bình chọn - ngay từ khi bắt tay vào kinh doanh lúa gạo.
Cùng nông dân không chỉ là vấn đề bao tiêu được giá, chia sẻ cùng họ những khó khăn và thậm chí là rủi ro mùa vụ mà còn là kiểm soát chất lượng từ khâu nguyên liệu đầu vào. Nói như thế có nghĩa là, doanh nghiệp cung cấp giống tốt có chọn lọc, chọn vùng nguyên liệu phù hợp với giống canh tác, cử kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng, kiểm tra kỹ lưỡng độ an toàn và các tiêu chuẩn về lý tính của hạt lúa khi thu hoạch trước khi đưa về nhà máy. Năng suất của nông dân tốt, đạt chất lượng cao cũng chính là doanh nghiệp có được sản lượng tốt, đạt chất lượng cao.
Mới đây, Tập đoàn Tân Long đã ký kết hợp đồng bao tiêu các dòng lúa đặc sản như Sóc Trăng ST21, ST24, gạo Nhật Japonica và một số giống gạo thơm cao cấp… Tập đoàn cũng mở rộng diện tích bao tiêu và trồng lúa trên các cánh đồng mẫu lên hàng trăm hecta tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Dẫu vậy, để tạo nên hạt gạo thành phẩm không chỉ dừng lại khâu thu hoạch lúa. Đảm bảo chất lượng còn là câu chuyện của việc: Làm sao xử lý lúa tươi sau thu hoạch giữ được trọn vẹn phẩm chất? Làm sao chọn lọc những hạt gạo đạt tiêu chuẩn đồng đều nhất? Làm sao gạo đến được với người tiêu dùng là kết quả tinh túy nhất của cả một chuỗi chế biến lúa gạo từ cánh đồng, qua nhà máy đến bàn ăn vẫn đảm bảo an toàn?
Đó là bài toán mà các doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của công nghệ để giải quyết các vấn đề về năng lực sấy trữ, sản xuất - kiểm soát chất lượng khắt khe liên tục và xây dựng kênh bán hàng thân thiện để có thể cung cấp gạo thành phẩm an toàn cho bữa ăn ngon của hàng triệu người tiêu dùng.
Như vậy, kinh doanh lúa gạo muốn xây dựng thương hiệu và đi theo con đường phát triển lâu bền, cần phải xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất từ bao tiêu vùng nguyên liệu - đầu tư hạ tầng xử lý sau thu hoạch quy mô lớn - kiểm soát hao hụt và chất lượng chặt chẽ kết hợp với xây dựng kênh phân phối và mạng lưới logistic, nghĩa là tham gia vào toàn bộ quá trình từ “cánh đồng đến bàn ăn”.
Ngon, sạch và tiện lợi
Năm 2020 đánh dấu một cột mốc khó quên khi toàn bộ đời sống xã hội và đặc biệt là kinh tế bị bao trùm bởi “bóng ma COVID”. Điều này tác động nhiều đến tâm lý và hành vi mua hàng của phần lớn người tiêu dùng theo xu hướng an toàn cho sức khỏe và tiện lợi khi giao dịch.
“Tất cả phải được làm với tâm huyết của doanh nghiệp là hướng đến sản phẩm chất lượng và tiện lợi trong xu hướng tiêu dùng. Ngày nay, người Việt không chỉ quan tâm ăn ngon, mà là ăn sạch hơn, an toàn hơn. Cùng với đó là cạnh tranh hơn về dịch vụ khách hàng. Điều này buộc doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ 4.0 thông qua nền tảng Fintech nhằm minh bạch hoá và tạo tiện ích cho khách hàng, thanh toán linh hoạt qua ví điện tử và tài khoản ngân hàng, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, giao hàng nhanh chóng tiện lợi”, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, Giám đốc điều hành mảng lúa gạo chia sẻ.
Báo cáo khảo sát giữa mùa dịch từ Neilsen cho biết có tới 65% khách hàng trả lời sẵn sàng chi nhiều hơn để chọn về những sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. Vì thế họ có nhu cầu được biết về nguồn gốc, thành phần, nơi sản xuất những sản phẩm mà họ đang tin tưởng lựa chọn. Đối với mặt hàng gạo là truy xuất về vùng trồng, vụ trồng, nơi chế biến, điểm cung cấp.
Chẳng hạn gạo AAA dòng ST24 là sản phẩm sử dụng giống thuần từ nhóm tác giả Hồ Quang Cua, đạt Top 3 gạo ngon nhất thế giới, được gieo trồng trên cánh đồng mẫu thuộc tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ và sản xuất, đóng gói tại nhà máy gạo Tân Long tỉnh Đồng Tháp cùng với các thông số khác về chất lượng gạo.
Phát biểu trong khuôn khổ Lễ vinh danh và công bố Top 100 sản phẩm Tin Dùng năm 2020, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Dịch COVID-19 đã tạo nên một cuộc sàng lọc khắc nghiệt và những doanh nghiệp thực sự có nội lực, linh hoạt trước thời cuộc, ứng dụng tốt công nghệ vẫn sẽ vững vàng và càng tạo được lòng tin ở người tiêu dùng.
Công nghệ đang là vấn đề cấp bách với những ngành nghề vốn được xem là truyền thống như lúa gạo. Ứng dụng công nghệ trong chế biến, đồng thời cũng cần phổ biến hơn nữa việc ứng dụng công nghệ vào khâu phân phối. Đó là công nghệ quản lý và phát triển các điểm bán để kiểm soát chất lượng đầu-cuối, quản lý giao hàng, thanh toán trực tiếp.
Cùng đó, công nghệ để chăm sóc khách hàng, giao dịch dễ dàng rút ngắn thời gian. Như vậy, công nghệ không chỉ giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng mà còn là một phần quan trọng để tạo nên “văn hóa” mua sắm tiện lợi - một xu hướng sẽ còn tiếp diễn rất mạnh mẽ trong thời gian tới.