Nàng khùng bỏ việc ở Mỹ về quê làm thiện nguyện

Nàng khùng bỏ việc ở Mỹ về quê làm thiện nguyện
Lửa Ấm - Sau 20 năm sống ở Mỹ, Trần Thị Ái Liên bỏ việc về Việt Nam thành lập công ty phi lợi nhuận hướng tới lợi ích của trẻ em.
 
Nàng khùng bỏ việc ở Mỹ về quê làm thiện nguyện ảnh 1

Liên có nụ cười ngọt ngào tuyệt đối, trẻ trung đặc biệt. Đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp cô. Mà Liên trẻ thật, bởi những quyết định táo bạo, đầy cảm tính, và trong trẻo quá đỗi, thường chỉ là đặc quyền của tuổi trẻ.

Sau 20 năm sống ở Mỹ, Liên bỏ việc về Việt Nam. Gia đình và hầu hết bạn bè đều bảo “Khùng!”. Và Liên cũng thú nhận cảm giác chới với như khi từ một con tàu lớn, êm ái, an toàn, tiện nghi, bỗng nhảy xuống biển khơi mênh mông, không biết đâu là bờ. “Nhưng suốt 6 năm nay tôi không hề ân hận về lựa chọn của mình!”

Học và làm việc 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên đất Mỹ

Frofile:

Trần Thị Ái Liên, độc thân

Thạc sỹ Chính sách Công, đại học Berkeley (Mỹ),

Từng là cố vấn chính sách của project Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, Giảng viên Đại học Berkeley, Mỹ và Đại học Hoa Sen Việt Nam,

Thành lập Công ty Bạn Của Bé, hoạt động phi lợi nhuận.

Liên sang Mỹ năm 90, những ngày mới sang nghèo khó, Liên làm công nhân cho một hãng lắp ráp linh kiện điện tử và xin mang thêm linh kiện về cho bố mẹ ráp tại nhà. Cuộc sống ở Mỹ, Liên nói: “Luôn là thiên đường cho những ai có ý chí, và địa ngục cho những ai không có ý chí. Bạn muốn đi học, ok, nhà nước sẽ cho bạn mượn tiền đi học, bạn muốn đi làm, có sẵn công việc để bạn làm. Nhưng đi làm có nghĩa là bạn sẽ bị ông chủ vắt sạch đến giọt mồ hôi cuối cùng. Bạn muốn học thêm, bạn vẫn phải đảm bảo năng suất như mọi người, không có chuyện sếp thương tình mà bớt việc cho bạn, không dung thứ bất cứ một chi tiết nào bạn làm sai!”

Còn học Đại học ở Mỹ, Liên nhận định, học nặng gấp cả chục lần sinh viên Việt Nam. Sinh viên Mỹ phải đọc thêm rất nhiều sách, không phải đọc chơi chơi, phải đọc tiêu hóa được, phản biện được. Ở Việt Nam điểm đạt 50% là đậu, còn ở Mỹ phải là 70%.

Nàng khùng bỏ việc ở Mỹ về quê làm thiện nguyện ảnh 2

Thế là những năm 90, Liên mới sang Mỹ, khao khát đi học và khao khát kiếm tiền. Đồng hồ để reo lúc 3h sáng dậy, để đúng boong 4h sáng có mặt tại hãng, làm từ 4h sáng tới 8h sáng kiếm lương ngoài giờ tính gấp đôi, rồi làm từ 8h sáng tới 4h chiều theo đúng ca. 4h chiều đi tới 4h30 tới trường đại học, vào thư viện đọc sách, lên giảng đường học tới 12h đêm mới về tới nhà.

3 năm liền Liên sống theo nhịp độ khắc nghiệt như vậy. Đến mức, 20 năm nay, Liên lúc nào cũng vẫn đeo cái đồng đồ điện tử rẻ tiền đó trên tay. Nhiều người hỏi: “Việt kiều mà đeo đồng hồ kỳ quá!”. Liên bảo: “Để nó nhắc mình, cái thời ngặt nghèo nhường đó mình còn vượt qua. Thì sau này không thể có gì làm mình gục ngã được.”

Liên cày được hai bằng đại học, Quan hệ Quốc tế, và Quản trị Kinh doanh. Ở New York, Liên làm cho hãng Morgan Stanley, rồi về Califonia gần gia đình, làm ở Capital Group, một trong 3 hãng tài chính nổi tiếng nhất ở Mỹ. Lương khá tốt khoảng 80.000 USD/năm, nếu tiếp tục thì bây giờ phải trên 100.000. Nhưng 8 năm đi làm, sáng đi tối về, Liên thấy cuộc sống vô nghĩa. “Mình đi làm là để phục vụ cho những người dân giàu có nhất, may mắn nhất của loài người sao?”. Mỗi năm 4 tuần nghỉ phép Liên cũng đi làm từ thiện ở nhiều nơi, nhưng thấy chưa đủ.

Ba mẹ vẫn thường làm từ thiện. Mẹ vẫn hàng tháng trích mấy chục % tiền trợ cấp tuổi già để gửi về Việt Nam, để dì mua gạo dầu mắm muối cho người nghèo. Và mẹ nghĩ thế là cũng tốt rồi, không ai ủng hộ Liên đang vị trí đó, mức lương đó, bỏ cuộc sống đó để về Việt Nam chỉ làm việc bao đồng. Ba Liên, tới tận tháng trước vẫn đau đớn hỏi: “Con phá cuộc đời con tới bao giờ nữa đây?!”

Năm 2005, Liên đột ngột quyết định nghỉ làm ở hãng tài chính, đi học thạc sỹ Chính sách công, Đại học Berkeley, California. Liên giành được học bổng Fulbright danh giá của Bộ Ngoại giao. Nhưng ba mẹ lo buồn lắm, vì biết rằng đời Liên đang rẽ theo một hướng khác, thiếu an toàn và chẳng biết tương lai thế nào.

Liên về Việt Nam, đi dạy Đại học Hoa Sen được 3 kỳ, rồi nghỉ để tập trung vào công ty Bạn Của Bé, Liên chọn slogan: “Cùng cha mẹ, vì bé yêu”. Công ty hoạt động phi lợi nhuận, hỗ trợ kỹ năng nuôi dạy trẻ cho ba mẹ, dạy cho sinh viên kỹ năng mềm. Toàn bộ lợi nhuận để mang về miền quê làm từ thiện: tạo sân chơi cho trẻ em ở quê nghèo.

Gieo mầm ý chí cho trẻ con

Từ hồi 7 tuổi, khi nhìn anh trai bị đánh khóc không thành tiếng, khi uất ức vì không được lắng nghe, Liên đã lòng dặn lòng rằng lớn lên sẽ tìm mọi cách bảo vệ trẻ em.

Nàng khùng bỏ việc ở Mỹ về quê làm thiện nguyện ảnh 3

Nung nấu ước mơ không còn trẻ em Việt Nam bị đánh đập, không còn những ba mẹ Việt Nam khổ sở vì buộc phải đánh con mà không còn cách nào khác. Và cú hích cuối cùng là khi người bạn gái thân có con bị tự kỷ. Liên quyết định nghỉ làm ở Hãng tài chính, lao vào học, đọc sách, tìm hiểu về trẻ em, và bắt đầu mở công ty để cho trẻ em chơi!

Với mấy đứa cháu trong nhà, Liên thương yêu trọn vẹn, lo lắng và chăm sóc, chịu đựng những vất vả về con mọn như một người mẹ. Liên nghĩ khỏi cần lập gia đình và có con ruột chi nữa, chỉ ấp ủ mở được càng nhiều sân chơi cho trẻ em càng tốt.

Công ty mới thành lập được hơn 1 năm, nhưng đã đi được khá nhiều miền quê. Bà Rịa Vũng Tàu, Xuyên Mộc, Long An, rồi qua Campuchia. Nhưng Liên nhận thấy như muối bỏ biển, và đang thay đổi mô hình. Mỗi nơi Liên sẽ ở lại 6 tháng duy trì sân chơi. Đợt Trung thu vừa rồi, dự tính tổ chức sân chơi cho 3,000 trẻ em, các bạn tình nguyện viên đi xin tài trợ được 11 triệu.

Hai ngày cuối cùng, Liên email cho bạn bè, kêu gọi được thêm 49 triệu nữa. Liên tin là mình hành xử bằng trái tim hoàn toàn trong sáng, yêu thương trọn vẹn, không vụ lợi, không mưu đồ thì sẽ thu hút được người khác.

Nhưng cũng nhiều bạn bè bảo: “Tụi trẻ con ở quê nghèo, nhiều khi còn thiếu ăn, tại sao mày không cho tụi nó tiền, gạo, lại tổ chức sân chơi chi cho xa xỉ vậy!”. Liên bảo: “Quyền trẻ em là được chơi đùa, không cho trẻ em chơi là vi phạm nhân quyền đó nha!” Liên quan niệm rằng trẻ con đi chơi là việc quan trọng và nghiêm túc như người lớn đi làm. Chơi trong hi vọng, ước mơ. Chơi là học những kỹ năng mềm: nhường nhịn, hợp tác, hoạt động nhóm, win-win, trải nghiệm sự tôn trọng…

Chơi là gieo hạt giống vươn lên trong cuộc sống vào trong tâm hồn tụi nhỏ, hi vọng nó mọc thành cây ý chí. Cuộc đời thành công hay không, không phải do cơ hội, mà do ý chí. Còn nếu người ta không mong đợi, không ước ao, không chuẩn bị đón nhận nó thì cơ hội tới, cũng không thấy có gì quý báu.

Liên hi vọng sẽ có những cuộc đời thay đổi qua mỗi đợt xuống quê tạo sân chơi cho các em. Càng trưởng thành, Liên càng thấy tầm quan trọng của ý chí. Khi trẻ có ý chí thì sẽ tự tìm ra con đường để làm bằng được!

Liên thần tượng mẹ, một người có ý chí. Mẹ Liên là xưa là tiểu thư xứ Huế, vậy mà sau chiến tranh bà phải một tay nuôi 7 đứa con nhỏ nhít. Với số vốn ít ỏi, đủ mua 2 bó rau muống, bà mua dưa hấu xẻ miếng nhảy lên xe đò bán rong, bà buôn thúng bán bưng, lau nhà, đổ rác cho khu phố để tới năm 1979 bà đã mua nhà quận Nhất TP.HCM, cho các con...

Với ý chí, mẹ đã làm được ở Việt Nam, với ý chí Liên đã làm được ở Mỹ, thì nhen nhóm ý chí cho trẻ em vùng quê nghèo là việc cần làm hơn trao tiền, gạo, dầu ăn! Liên tin vậy!

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.