Nhiều ngôi nhà ở Dải Gaza bị phá huỷ. (Ảnh: Reuters) |
ICJ, thường được gọi là Toà án Thế giới, là nơi Liên Hợp Quốc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.
Hồ sơ của Nam Phi cáo buộc Israel vi phạm các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước ra đời từ chiến dịch thảm sát của Đức quốc xã, theo đó hành vi cố tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một dân tộc là phạm tội thảm sát.
Nam Phi kiến nghị ICJ ban hành biện pháp tạm thời hoặc ngắn hạn để yêu cầu Israel ngừng chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, cho rằng đây là việc làm cần thiết để “tránh gây tổn thất thêm, nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với quyền của người dân Palestine".
Dù ICJ, trụ sở ở La Hay, Hà Lan, được coi là tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc, nhưng phán quyết của tòa này đôi khi không được thực thi.
Từ khi Israel triển khai chiến dịch trả đũa sau thời điểm 7/10, ước tính hơn 21.000 người Palestine ở Dải Gaza đã thiệt mạng, theo số liệu của cơ quan y tế ở đây.
Trong phản ứng đầu tiên về vụ kiện của Nam Phi, Bộ Ngoại giao Israel cáo buộc Hamas gây đau khổ cho người dân Palestine ở Dải Gaza khi dùng họ làm lá chắn sống và lấy hàng viện trợ nhân đạo của họ. Hamas phủ nhận cáo buộc này.
“Israel đã nói rõ rằng người dân ở Dải Gaza không phải là kẻ thù và đang nỗ lực hết sức để hạn chế gây tổn hại cho những người không liên quan”, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel cho biết.
Đệ đơn lên ICJ là động thái mới nhất của Nam Phi để phản đối Israel. Trước đó, các nghị sĩ Nam Phi bỏ phiếu ủng hộ việc đóng cửa đại sứ quán Israel ở Pretoria và đình chỉ quan hệ ngoại giao.
Trong nhiều thập kỷ qua, Nam Phi ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine để thành lập nhà nước tại các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng. Nam Phi thường ví cảnh ngộ của người Palestine giống với hoàn cảnh của người da đen ở Nam Phi trong thời kỳ đàn áp phân biệt chủng tộc apartheid.