Myanmar, con đường mở cửa gập ghềnh

Myanmar, con đường mở cửa gập ghềnh
TP - Trong những quán bar âm u của thành phố nay đã là cố đô Rangoon của Myanmar, quá khứ u buồn ở quốc gia giàu tài nguyên vùng Đông Nam Á này không còn ngăn cản được dòng doanh nhân từ phương Tây đổ tới tìm kiếm cơ hội làm ăn.

 > Mỹ nới lỏng trừng phạt Myanmar

Giữa những con thuyền gỗ cũ kỹ, trên sông Yangoon xuất hiện một tàu du lịch sang trọng của hãng Htoo
Giữa những con thuyền gỗ cũ kỹ, trên sông Yangoon xuất hiện một tàu du lịch sang trọng của hãng Htoo.

“Ngay lúc này đây, Burma (tên cũ của Myanmar hay Miến Điện-PV) là tấm toan trắng”, một nhà đầu tư phương Tây nói, “Và chúng tôi là những nghệ sỹ”.

Việc đưa Myanmar bước vào thế kỷ 21 văn minh hiện đại chắc chắn là một thách thức lớn đối với các Michellangelo (nhà điêu khắc người Ý nổi tiếng thời Phục hưng) này, khi đến tận giờ họ vẫn đang ngồi đây, nhấm nháp từng ngụm bia nhỏ và bàn bạc về dự án mở đường cao tốc, tuyến xe lửa, cảng, hệ thống truyền tải điện và viễn thông.

Không dễ ăn

Là một trong những nước chậm phát triển nhất Đông Nam Á, nền kinh tế Myanmar què quặt trong nhiều thập kỷ, hậu quả của việc quản lý sai lầm cùng những lệnh cấm vận do quốc tế áp đặt.

Các hoạt động làm ăn ở Myanmar được nói là nằm trong sự kiểm soát của một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt có quan hệ mật thiết với chính quyền quân sự trước đây. Những người này hiện vẫn kiểm soát phần lớn doanh nghiệp tư nhân ở Myanmar.

Một “trạm điện thoại” ở Rangoon
Một “trạm điện thoại” ở Rangoon.

Sau khi các lệnh cấm vận được nới lỏng trong thời gian gần đây, Myanmar bắt đầu mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài không còn cách nào khác là phải đạt được thỏa thuận với các nhà tài phiệt trong nước hòng kiếm một cửa làm ăn ở đây.

Tay Za và Zaw Zaw là hai trong số những nhà tài phiệt ấy. Zaw Zaw từng được Bộ Tài chính Mỹ gắn cho cái mác “kẻ buôn vũ khí tai tiếng” bởi những liên hệ mật thiết của ông với chính quyền quân sự trước đây.

Zaw Zaw vẫn có tên trong danh sách cấm vận của Mỹ và EU, hiện sở hữu tập đoàn Htoo và Air Bagan, hãng hàng không đầu tiên và hoàn toàn do tư nhân sở hữu ở Myanmar.

Các nhóm hoạt động và đảng đối lập Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đã lên tiếng quan ngại rằng khi đầu tư nước ngoài đổ vào Myanmar, chỉ những nhà tài phiệt thân chế độ cũ được hưởng lợi.

Chủ tịch đảng NLD U Tin Oo nói mọi nguồn đầu tư FDI mới đều chạy thẳng vào túi các cựu quân nhân. “Chúng tôi lo ngại rằng ngay từ lúc này tiền và quyền lực đang được tập trung vào tay chỉ vài người”, ông nói, “Mọi người đều thấy lo lắng rằng khi tiền nước ngoài đổ vào, giới quân sự sẽ lèo lái để cuối cùng chúng đổ vào túi họ và “chiến hữu”.

Các nhà hoạt động đã kêu gọi minh bạch hơn nữa lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư khi lệnh cấm vận được nới lỏng.

Một báo cáo gần đây cảnh báo: Giới quân đội ở Myanmar tiếp tục hưởng lợi từ doanh thu dầu mỏ và khí gas trong khi đảng NLD tiếp tục yêu cầu chính phủ công khai các lợi ích thương mại.

Mặc dù tình hình chính trị và bối cảnh xã hội chưa hẳn thuận lợi, Myanmar vẫn đủ sức thu hút nhiều nhà đầu tư, sau những cải cách của chính quyền tổng thống Thein Sein.

Như miền Tây hoang dã

Trong một góc quán bar Phố 50 nhộn nhịp ở Rangoon, một người Mỹ, một người Úc và một người Ý đang bàn bạc về chuyện mở công ty tư vấn kinh doanh nhắm tới các doanh nhân phương Tây.

Một góc phố Rangoon
Một góc phố Rangoon.

“Hơi giống thời miền Tây hoang dã, và chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những chàng cao bồi”, một nhà kinh doanh nói, “Một số nhà đầu tư nghĩ rằng họ có thể chỉ cần lên máy bay tới Myanmar và đạt được thỏa thuận hậu hĩ nào đó vào cuối tuần, nhưng đó không phải là cách công việc diễn tiến ở đây. Bạn phải biết quan hệ với loại đối tượng nào và phải chiều theo “luật chơi” ở Myanmar”.

Nhật Bản và Myanmar đã bắt đầu các vòng đàm phán về một hiệp định đầu tư. Vòng tiếp theo của thỏa thuận đôi bên diễn ra hôm 23-5 tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar giữa các nhà ngoại giao và kinh tế đôi bên.

Phía Nhật hy vọng hiệp định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước này làm ăn ở Myanmar mà không bị phân biệt đối xử.

Theo kỳ vọng từ phía Nhật Bản, một thỏa thuận sẽ được chính thức thông qua tại thời điểm hội nghị thượng đỉnh ASEAN nhóm họp vào cuối năm nay.

Một nhà đầu tư bất động sản đến từ New York đã vỡ mộng sau hai ngày có mặt ở Myanmar và nói ông ta đã lên kế hoạch trở về Mỹ. Ông tức giận vì không tìm thấy cơ hội kinh doanh nào rõ ràng cả.

“Tôi muốn mua một trong những tòa nhà cổ thời thực dân, tân trang nó và biến nó thành một nhà nghỉ cho Tây ba lô, mở thêm quán bar chơi nhạc jazz”, ông nói và chỉ tay về khối nhà đối diện khách sạn Thương gia. “Nhưng tôi đọc báo, không thấy có mục quảng cáo, chả có gì được mua bán cả”.

Một người Pháp gần đó châm điếu thuốc thứ 5. Ông ta không phải người ghiền thuốc lá mà chỉ đơn giản là kiểm tra sản phẩm của ngành sản xuất thuốc lá rất nhộn nhịp của Myanmar. “Chúng tôi muốn bán thiết bị sản xuất thuốc lá cho họ”, ông nói.

Nhưng với giá cả chỉ từ 200 kyat (khoảng 25 xu Mỹ hay 5000 VNĐ) tới đắt nhất là 700 kyat/bao thuốc hiệu Red Ruby, ông không chắc việc bán máy khả thi.

Ông người Pháp nói cũng đàm phán bán một số máy bay đã qua sử dụng cho ông chủ Tay Za của hãng Air Bagan, nhưng thề rằng sẽ không bao giờ bay với hãng hàng không địa phương vì tỷ lệ sự cố rất cao của họ.

Sean Turnell, nhà kinh tế người Úc, chuyên gia về Myanmar nói nhiều thương vụ đã được đàm phán nhưng dòng tiền đầu tư thực sự chưa nhiều.

Ông nói nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên trước những khó khăn không ngờ tới trong thực tế khi làm ăn ở đây. Cơ sở hạ tầng thấp kém, luật pháp bó buộc và mức sống thấp là những trở ngại lớn đối với đầu tư nước ngoài.

Nỗ lực thu hút FDI

Nhà kinh tế, cựu cố vấn của chính phủ Khin Maung Nyo nói phần lớn đầu tư nước ngoài vào Myanmar đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Singapore, cho dù Úc, Mỹ và EU đã quyết định đình hoãn các lệnh cấm vận đối với nước này trong một năm.

Sự mở cửa từ từ của Myanmar đã được cụ thể hóa bằng một số chính sách ưu đãi đầu tư và đối tượng nhiều khả năng được lợi nhất là các doanh nhân Trung Quốc, theo Soe Han tham tán thương mại của Đại sứ quán Myanmar ở Trung Quốc.

Trong năm nay, Myanmar đã cải cách luật đầu tư nước ngoài, miễn thuế trong 5 năm với công ty nước ngoài hoạt động trong các đặc khu kinh tế, 5 năm tiếp theo hưởng thuế suất bằng 50%.

Chính phủ Myanmar cũng thực hiện đơn giản hóa thủ tục đầu tư. “Hồ sơ đầu tư sẽ được thông qua trong vòng một tuần nếu không có gì thiếu sót. Đăng ký thành lập công ty mới sẽ chỉ diễn ra trong một ngày”, Soe Han nói. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar với số vốn hơn 20 tỷ USD, chiếm 57,8%.

Hầu hết FDI đổ vào ngành điện, dầu mỏ, khí gas và khai thác khoáng sản.

Xuân Thủy
Theo Phnompenh Post, Channel News Asia, China daily

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.