Reuters nói lãnh đạo Fed đã tăng lãi suất cơ bản lên thêm 25 điểm, ở mức 2-2,25%. Dự kiến Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng tiếp lãi suất một lần nữa trong tháng 12 tới, ba lần trong năm 2019 và một lần trong năm 2020.
Nhưng đối với những nền kinh tế mạnh ở châu Á, vốn đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư, dần rời xa Mỹ, các động thái dự kiến của Fed không tác động nhiều như trước đây.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol nói cuộc xung đột thương mại, tỷ lệ lạm phát thấp và thị trường lao động khu vực đã làm giảm thiểu tác động từ việc tăng lãi suất của Fed. Theo dự kiến, trong ngày hôm nay, Đài Loan sẽ công bố mức lãi suất không thay đổi 1,375%.
“Đối với nhiều nền kinh tế châu Á, các yếu tố nội tại sẽ có tác động lớn hơn yếu tố từ bên ngoài”, Krystal Tan, kinh tế gia về châu Á của Capital Economics, công ty tư vấn có trụ sở tại London, nói.
Tuy nhiên, đối với những nền kinh tế dễ tổn thương hơn, tác động của việc tăng lãi suất từ Fed cũng sẽ lớn hơn. Họ cần phải khuyến khích các nhà đầu tư để giữ chân họ, đồng thời kiểm soát sức ép về tiền tệ, ngoại hối.
Ngân hàng trung ương Philippines đã tăng lãi suất thêm 50 điểm, lên mức 4,50% nhằm kiểm soát lạm phát, “chống lưng” cho đồng peso vốn dễ tổn thương. Kể từ tháng 5, Phillippines đã ba lần tăng lãi suất, ở mức 100 điểm (từ 3,50 lên 4,50%).
Ngân hàng Indonesia cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm (lần thứ tư trong năm nay) đưa lãi suất cơ bản lên 5,57%, tức là 150 điểm kể từ tháng 5.