Việc tàu sân bay USS John C. Stennis cùng tàu tuần dương USS Mobile Bay, hai tàu khu trục USS Stockdale và USS Chung-Hoon tới nằm trong khuôn khổ cuộc tuần tra định kỳ ở khu vực tranh chấp trên biển Đông - nơi Trung Quốc gần đây bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là ngang nhiên triển khai tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu và radar tần số cao trên các đảo, đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis, tàu tuần dương USS Antietam của Hải quân Mỹ đóng tại một căn cứ ở Nhật Bản cũng đang tuần tra trên biển Đông, Washington Post hôm qua dẫn lời trung tá Clay Doss của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ). Ông Doss cũng cho biết, tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ USS Ashland của Mỹ vừa hoàn thành các cuộc tuần tra tương tự.
Mỹ tăng cường thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông những tháng gần đây sau khi Trung Quốc cải tạo, bồi lắp phi pháp một số bãi đá tranh chấp trên biển Đông thành đảo nhân tạo rồi ngang nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt vũ khí, khí tài trên đó. CBS News từng thuê một chiếc thuyền nhỏ ra gần khu vực tranh chấp trên biển Đông để phóng viên được tận mắt chứng kiến các hòn đảo nhân tạo. “Nó trông như một thành phố trên biển. Trung Quốc đã cam kết không quân sự hóa các đảo trên biển Đông. Nhưng tại sao Trung Quốc lại triển khai các khẩu đội tên lửa đất đối không, tại sao họ lại xây dựng các sân bay cấp độ quân sự trên các đảo đó”, phóng viên Seth Doane của CBS News nói.
Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng
Hôm qua, Trung Quốc tuyên bố ngân sách quốc phòng của nước này dự kiến tăng 7-8% trong năm nay; mức tăng chính thức sẽ được công bố trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 12, sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm của Trung Quốc, khai mạc ngày 5/3, Xinhua đưa tin. Chi tiêu quốc phòng tăng 7-8% là mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua và thấp hơn dự đoán của nhiều chuyên gia. Điều này thể hiện kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và nước này đang và sẽ cắt giảm quân số, Washington Post nhận định.
Các chuyên gia nói rằng, trên thực tế, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cao hơn nhiều con số họ thông báo, nhưng vẫn thấp hơn so với Mỹ, cả về số tiền và tỷ lệ phần trăm của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường tập trận và thổi phồng các yêu sách chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông đã gây quan ngại sâu sắc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần làm gia tăng chi tiêu quốc phòng của nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản…, các chuyên gia nhận định.
Ngày 4/3, bà Phó Oánh, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc khóa 12, nói rằng, việc tăng chi cho quân sự của nước này phản ánh nhu cầu quốc phòng, tình trạng kinh tế và khả năng ngân sách của Trung Quốc.
Trong khi đó, báo Trung Quốc Global Times kêu gọi Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng năm 2016 ở mức hai con số, tăng cường đưa vũ khí tới biển Đông để đối phóng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực. Ni Lexiong, giáo sư khoa học chính trị, chuyên gia quân sự tại ĐH Khoa học chính trị và Luật (Trung Quốc), nói rằng, ông mong đợi chi tiêu quân sự của nước này sẽ tăng 12-15% trong năm nay để đối phó căng thẳng ngày càng leo thang trong khu vực.
“Mức tăng thấp hơn dự kiến cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện với phương Tây, trong đó có Mỹ, cũng như các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ rằng, Trung Quốc chân thành muốn giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, lý do thứ hai là kinh tế Trung Quốc thực sự tồi tệ”, ông Ni nhận định.
Nếu chi tiêu quân sự năm nay thực sự tăng 7-8%, đây sẽ là mức tăng một con số đầu tiên kể từ năm 2010, khi ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 7,5%. Năm ngoái, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 10,1%, tương đương khoảng 140 tỷ USD, gần bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ là 6,9% - mức thấp nhất trong 25 năm. Trong mối tương quan với nền kinh tế, ngân sách quốc phòng mà Trung Quốc thông báo chiếm 1,3% GDP, so với mức 3,1% của Mỹ.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính, trên thực tế, chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao hơn 50% so với con số mà nước này thông báo. Một trong các nguyên nhân là Trung Quốc không tính đến các hạng mục như nghiên cứu và phát triển, nhập khẩu vũ khí, xây dựng quân sự …
Trước việc Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng năm nay dự kiến chỉ tăng 7-8%, chuyên gia Bonji Obara của tổ chức Tokyo Foundation (Nhật Bản) nhận định: “Một lý do đơn giản là Trung Quốc khó có thể duy trì được mức tăng hai con số như trong sáu năm qua. Lý do nữa là chiến dịch chống tham nhũng đã giúp giảm thất thoát, tăng hiệu quả chi tiêu”.