Nhiều năm qua, Mỹ thúc giục Ấn Độ ký thỏa thuận hỗ trợ hậu cần cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ hải quân, không quân, lục quân của nhau để tái cung cấp, sửa chữa và nghỉ ngơi. Ấn Độ lo ngại rằng, thỏa thuận hậu cần sẽ buộc nước này tiếp nhận binh sĩ Mỹ ở các căn cứ của Ấn Độ, hoặc đưa nước này vào một liên minh quân sự với Mỹ. Sau nhiều năm trì hoãn, hai bên nói rằng, thỏa thuận đã có sẵn, dù chưa sẵn sàng ký kết.
“Chúng tôi đồng ý về nguyên tắc rằng, tất cả các vấn đề được giải quyết”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua nói với các phóng viên tại New Delhi sau buổi hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar. Hai bên sẽ hoàn thiện nội dung thỏa thuận trong những tuần tới, ông Carter cho biết.
Ấn Độ gần đây đối mặt thực tế rằng, Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng của họ trên biển Đông và “nhảy sang” cả Ấn Độ Dương. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát tín hiệu muốn gần gũi hơn với Mỹ. Trung Quốc cũng là đồng minh thân cận của Pakistan - đối thủ của Ấn Độ.
Thủ tướng Modi cũng thích tiếp cận công nghệ Mỹ để thực hiện kế hoạch “Sản xuất tại Ấn Độ” của ông nhằm xây dựng một cơ sở công nghiệp trong nước và cắt giảm việc nhập khẩu vũ khí rất tốn kém. Trong khi đó, quân đội Mỹ đã thể hiện rằng, họ muốn bắt tay chặt hơn với Ấn Độ, đặc biệt là trong việc đương đầu Trung Quốc. Bộ trưởng Carter đang trong chuyến thăm thứ hai tới Ấn Độ trong vòng chưa đầy một năm, nhằm thắt chặt hợp tác quốc phòng.
Việc đạt được thỏa thuận hậu cần sẽ tạo điều kiện cho Mỹ và Ấn Độ đạt được hai thỏa thuận tiếp theo liên quan liên lạc bảo mật và trao đổi dữ liệu, trong đó có thông tin biển, một quan chức quốc phòng Mỹ nói. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, hai nước sẽ sớm hoàn tất một thỏa thuận trao đổi thông tin về vận tải biển.
Bộ trưởng Carter nói rằng, Mỹ và Ấn Độ cũng đang tăng cường cộng tác về công nghệ và thiết kế tàu sân bay - dự án chung lớn nhất từ khi hai bên đưa ra Sáng kiến Thương mại và công nghệ quốc phòng vào năm 2012. New Delhi hiện vận hành một tàu sân bay do Nga sản xuất và có kế hoạch tự đóng tàu sân bay lớn nhất Ấn Độ.
Hôm qua, Ấn Độ nói họ đồng ý với Mỹ về việc hải quân hai nước sẽ thảo luận về cuộc chiến chống tàu ngầm và an toàn tàu ngầm.
Theo các nguồn tin của Mỹ, Ấn Độ đang thương lượng với Mỹ về việc mua 40 máy bay không người lái Predator để thu thập thông tin tình báo, tăng cường hỏa lực dọc khu vực biên giới rộng lớn với Pakistan và Trung Quốc cũng như trên biển.