Mưu sinh giữa đại ngàn: Sức hút góc 'chợ đồng bào'

0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ bán các sản vật tại đèo Măng Rơi
Các em nhỏ bán các sản vật tại đèo Măng Rơi
TP - Hiện nay, nhiều thực phẩm có xuất xứ từ buôn làng đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ cũng như dành làm quà tặng cho người thân, bạn bè phương xa. Những gùi hàng chứa sản vật tự nhiên ấy giúp nhiều gia đình đồng bào Tây Nguyên ổn định cuộc sống.

Chợ 10 nghìn trên đỉnh đèo

Nằm chênh vênh nơi đỉnh đèo Măng Rơi (Quốc lộ 40B - vùng ranh giới huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum) vài ba chòi lán được quây tạm bằng mấy phên tre. Phía trên lợp tôn cũ, những tấm ván cong queo được lót bên dưới. Ngồi vắt vẻo nơi sạp hàng, mấy em nhỏ người Xê Đăng tươi cười chào khách. Y Niệm (11 tuổi, xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô) chìa 2 quả dưa nước căng mọng được để gọn trong túi bóng, hớn hở nói: “Dưa nước ngọt lắm cô ơi, cô mua về ăn nhé. Hay cô mua chuối rừng đi, 10 nghìn đồng/2 nải, em khuyến mãi thêm cho cô nữa”.

Già Ma Huyn (73 tuổi, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết: “Hiện nay, những món ăn được chế biến từ rau, củ, quả mọc dại ven đường, trên nương rẫy ở các buôn làng không chỉ có trong bữa ăn của người dân tộc bản địa. Ngày nay, những món ăn dân dã trở thành đặc sản từ quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng phục vụ khách hàng. Trước xu hướng phát triển các đặc sản địa phương như hiện nay, phát huy thế mạnh bản địa là điều rất tốt nhưng cần làm sao để đầu ra được tốt hơn nữa”.

Mỗi ngày, 6 giờ sáng, Y Niệm cùng chị gái lên rừng lấy măng, hoa chuối rừng…mang tới đèo Măng Rơi bày bán. Các sản vật ở đây được làm sạch sẽ, để sẵn từng túi, bán giá 10 nghìn/túi, nên chợ tự phát nơi đây có tên “chợ 10 nghìn đồng”.

Đôi mắt trong veo nhìn khách, Y Trang (12 tuổi, xã Đắk Trăm) đã bán ở đây được 3 mùa hè. Nhà Trang nghèo lại đông anh em, cuộc sống hết sức khó khăn. Mùa hè, Trang lên rừng lấy măng, hái nấm mang ra lán “chợ 10 nghìn đồng” để bán cho khách qua đường. “Mùa hè em cùng các bạn lên đây bán hàng, hết hè chúng em về đi học”, Y Trang cho biết.

Mưu sinh giữa đại ngàn: Sức hút góc 'chợ đồng bào' ảnh 1

Một góc chợ đồng bào trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột

Chị Y Hoa giải thích việc bán đồng giá 10 nghìn đồng vì hàng hóa chủ yếu là nông sản tự trồng được, hoặc lên rừng hái về, nếu bán giá cao thì ít người mua. “Chợ chỉ hoạt động vào mùa hè. Thu nhập của mỗi người ở đây từ 50 đến 70 nghìn đồng/ngày. Mình ở nhà thì làm gì ra được số tiền đó. Chợ tự phát này tạo thêm thu nhập cho những hộ gia đình khó khăn như tôi, và cũng phần nào giới thiệu được đặc sản của địa phương với du khách”, chị Y Hoa nói.

Đôi mắt sâu hoắm nhìn xa xăm, câu chuyện của chị Y Hiền (xã Đắk Trăm) khiến người nghe thấy ngậm ngùi. 37 tuổi chị có 8 đứa con, đứa lớn năm nay 18 tuổi, đã nghỉ học hơn 4 năm, còn những đứa khác học dở dang. Quay qua nhìn đứa con gái 11 tuổi đang sắp lại mớ rau rừng. “Mình đặt tên nó là Y Học vì muốn nó được học hành như người ta để sau này phụ giúp bố mẹ. Mình cũng muốn các con được đi học chứ, nhưng không có điều kiện đâu. Nhà nghèo quá, đất đai lại ít. Ở làng nhà nào cũng đều 8, 9 đứa con. Hè đến, tụi nhỏ lại mang thực phẩm lên đèo bán có thêm tiền trang trải cuộc sống”, chị nói .

Ðậm bản sắc văn hóa

Đi khắp các chợ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) hầu hết đều có một góc nhỏ dành riêng cho đồng bào dân tộc gùi hàng tới bán. Nhiều người dân gọi đây là “chợ người đồng bào”, vì chủ nhân đa phần là người Êđê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng.

Chợ đồng bào khá đặc biệt. Họ bày bán toàn đặc sản buôn làng, có khi rau rừng, rau dớn, lá bép, cà đắng hay ít tôm, ốc, hến bắt từ sông suối. Khách đi chợ, ít khi mặc cả, người bán cũng không khi nào nói thách. Với màu sắc ấy, những góc chợ nhỏ in đậm nét văn hóa riêng, ấn tượng của đồng bào Tây Nguyên.

Sáng sớm hay chiều chiều đi dọc vào chợ Ea Kao (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) ta bắt gặp góc nhỏ người đồng bào Êđê bày bán đủ các loại rau, củ, quả. Mùa nào thức nấy, chợ vào mùa trái cây rừng, lừng lựng hương thơm của hoa trái chỉ có ở vùng đất này. “Xưa bà con có biết buôn bán đâu, làm ra củ sắn, bó rau là để ăn, nhiều thì tặng nhau. Sau này, học theo người Kinh, sản phẩm làm ra nhiều bà con đem bán kiếm tiền mua sắm thứ khác”, bà H’Tuyn buôn bán tại chợ nói.

Nhiều người trong số họ không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông nhưng mạnh dạn mang sản vật từ vườn nhà, hái trên rừng ra bán, rồi dần học tiếng sau. “Rau, trái cây nhìn không được đẹp nhưng là hàng sạch, không có bất kì thứ thuốc nào. Điểm chợ này đã giúp người dân bản địa có thêm thu nhập vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống”, bà H’Thiêm nói tiếng Kinh lơ lớ.

Nét bình dị chợ đồng bào toát lên từ sự đơn giản, mộc mạc của những mặt hàng. Góc chợ vẫn giữ nét tự nhiên, không có lán, quán dựng lên. Đồng bào chọn những khoảng đất bằng phẳng hay mép vệ đường rồi trải sản vật bày bán theo hàng lối.

“Những món ăn từ cà đắng, khổ qua rừng đã quá quen thuộc, nhưng nhiều người có thể chưa một lần thưởng thức món chế biến từ trái aliêk. Boh aliêk là cách gọi của đồng bào Êđê, đối với người Kinh có người gọi là quả đắng, vì quả này có vị rất đắng được bán với giá 15 nghìn đồng/kg. Quả aliêk giờ khá đắt khách. Lúc đầu khách hàng mua vì lạ, mua ăn thử, mua vì ai ăn xong cũng khen nên họ không thể bỏ qua loại quả độc đáo do chính người đồng bào dân tộc nơi đây chế biến”, chị H’Tâm giới thiệu.

Theo chị, bây giờ không phải tốn nhiều công sức lặn lội vào tận rừng sâu, núi thẳm để tìm hái, trái aliêk được các chị, các mí (mẹ) trồng ở nương rẫy ven suối hoặc trong vườn cà phê.

Chọn những quả aliêk màu xanh nhạt, chị Nguyễn Thị Huyền (trú thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Tôi và mọi người trong gia đình rất ghiền những rau quả có vị đắng của đồng bào. Món aliêk xào cá khô miễn chê. Vị đắng rất đặc trưng, mùi thơm thanh thanh, vị bùi của cá khô hòa quyện với vị cay xè của ớt đậm hương vị của núi rừng”.

Từ đặc sản đặc biệt ấy, khách hàng của chợ đồng bào không chỉ là người dân sống các vùng lân cận mà còn thu hút du khách đi ngược, về xuôi dừng chân ghé chợ. Chị Trần Thị Bích ngoài mua về dùng, chị còn mua gửi tặng bạn bè phương xa như rau rừng, măng rừng vì lạ, ngon.

Trải qua thời gian, chợ đồng bào vẫn giữ được những nét giản dị, gần gũi, mộc mạc đặc trưng vốn có của mình. Những góc chợ nhỏ giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.