Mưu sinh giữa đại ngàn: Trĩu nặng gánh lộc rừng

0:00 / 0:00
0:00
Người đi lấy măng phải có kinh nghiệm và tay nghề
Người đi lấy măng phải có kinh nghiệm và tay nghề
TP - Dưới những cánh rừng đại ngàn tưởng chừng ngủ quên sau một mùa khô dài, khi hạt mưa đầu mùa rơi xuống bỗng bừng tỉnh, nhiều thứ lộc rừng hình thành giúp sinh kế cho bao phận nghèo. Nhờ vậy, cuộc sống của họ bớt phần khó khăn hơn, dần ổn định.

Rủ nhau đi lấy măng rừng

Con đường nhựa phẳng lì về huyện biên giới Ea Súp như một dải lụa mềm chạy giữa rừng khộp. Chúng tôi gặp nhiều phụ nữ rong ruổi vào rừng hái lá thuốc, lấy măng, nấm. Khuôn mặt họ hằn những nhọc nhằn.

Chị Đỗ Thu Hiền (thị trấn Ea Súp) đã hơn chục năm lấy măng rừng. Hàng năm, đến mùa măng, chị cùng một số bà con trong thôn gói cơm, mang nước rủ nhau lên bìa rừng, vào rẫy lấy măng. Họ đi từ sáng sớm đến 1-2 giờ chiều. Mỗi ngày kiếm được 30-40 kg măng tươi. Măng rừng có nhiều loại: Le, nứa, trúc… ngon nhất là măng trúc. Măng le bán 8 nghìn đồng/kg măng tươi. Măng trúc nhỏ nhưng chắc thịt, có độ thơm, mỗi kg măng tươi bán được 15 -17 nghìn đồng. Mỗi ngày, một người kiếm được 500-600 nghìn đồng. Nhiều người gọi đây là lộc rừng, vì nó chỉ xuất hiện ít tháng mùa mưa, đến mùa khô hầu như không còn.

Mưu sinh giữa đại ngàn: Trĩu nặng gánh lộc rừng ảnh 1

Người dân bóc vỏ măng để mang ra chợ bán

Đôi chân thoăn thoắt, chị Hiền lách qua mấy bụi cỏ, luồn mình dưới thân tre già, dùng dao đào bới mầm măng. “Măng cao khoảng 20 cm dùng chân đạp, cao hơn nữa thì dùng dao chặt. Măng mới nhú phải dùng dao bới nó lên. Muốn tìm măng ngon phải tìm tới những bụi lồ ô có lá to, cây thấp, nằm ở khu vực thoáng đãng, đặc biệt là cạnh các con suối. Người hái măng phải có con mắt tinh, cần đôi chân, đôi tay khỏe”, chị Hiền cho biết.

Những người đi lấy măng miệt mài luồn từ bụi này sang bụi khác. Mặt trời đứng bóng nhưng chẳng ai trong số họ có ý định ăn gì cho bữa trưa. Mùa này hay mưa chiều, trời nhanh tối, họ tranh thủ kiếm măng đưa về còn bóc vỏ cho kịp bán. Khi mệt họ chỉ nghỉ uống ngụm nước.

Với người phụ nữ vùng sơn cước, mùa mưa là khoảng thời gian đáng mong chờ nhất, hứa hẹn nguồn thu nhập đáng mơ ước của họ. Những gùi măng trĩu nặng mang về ấm no bữa cơm cho gia đình. Đang luồn vào giữa những thân tre xắn mụt măng nõn nà như búp tay sơn nữ, bà Sùng Thị Chang vừa thở vừa nói: “Mỗi ngày, hai vợ chồng bà cũng lấy được năm chục ký. Đối với gia đình bà, đó là số tiền lớn từ trời rơi xuống có thể lo được mấy việc nhà, chứ dịch bệnh này làm gì ra tiền”.

Bà Nông Thị Lan (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) gần 20 năm lấy măng rừng chia sẻ: “Hầu hết những người mưu sinh từ nghề lấy măng rừng, họ không khai thác theo kiểu tận diệt. Khi lấy măng, mọi người luôn để lại nhiều cây non, vì thế năm nào cũng có măng để lấy. Mặc dù, nghề này lắm gian truân, nhọc nhằn, nhưng với chúng tôi, lộc rừng chỉ có mùa, thì dựa vào để mưu sinh”.

Trước đây, măng thường được bán sỉ vì ít người biết, có khi cả gùi chỉ được 50 -60 nghìn đồng. Giờ măng vùng biên huyện Ea Súp nổi tiếng thơm ngon, giá cả phải chăng nên nhiều người tìm đến mua. Măng được bán theo ký, giá tùy thuộc từng thời điểm khác nhau.Thông thường vào mùa măng, các thương lái quanh vùng thu mua măng với số lượng lớn để chế biến cho thị trường Tết. Nhờ thế, người lấy măng đỡ vất vả khi phải bán lẻ.

“Lấy măng phải biết xoay vòng ở mỗi vùng rừng, rẫy. Hôm nay lấy vùng này, mai phải lấy vùng khác, mấy ngày sau mới quay lại vùng ban đầu. Người đi lấy vài kg măng về ăn thì không sao, nhưng để lấy măng tươi từ 40 kg trở lên phải có tay nghề”, chị Hiền cho biết.

Lầm lũi

Mùa hè của đám trẻ vùng sâu là chuỗi ngày các em theo chân cha mẹ, len lỏi vào rừng kiếm thêm tiền từ măng rừng. Mỗi buổi chiều, những đứa trẻ gầy guộc, bé choắt với gùi măng trĩu nặng. Người lớn trang bị bao tay, giày cẩn thận để bảo vệ thân thể. Còn lũ nhỏ, chúng vào rừng một cách hồn nhiên, khi trở về đôi chân tím ngắt vì lạnh, bàn tay rớm máu vì bị gai cào xước. Những hôm trời mưa, ngón chân nhỏ bé cong lại, bám chặt vào mặt đường để khỏi trơn ngã.

Theo bà Bùi Thanh Phương, người mua măng nhiều năm nay tại huyện vùng biên, giá măng cũng dao động, lúc lên lúc xuống tùy thị trường. Hôm ấy, măng le có giá 7 nghìn đồng/kg, măng trúc 13 nghìn đồng/kg, măng không đẹp chỉ bán được 3 -4 nghìn đồng/kg. “Mùa măng này em không nghỉ ngày nào nên đủ tiền mua sách vở và cuốn truyện em yêu thích”, H’Tâm (lớp 6), cầm 50 nghìn trên tay, khoe.

Trước kia, vùng đất này núi thẳm rừng sâu, nhiều tre nứa đi một lúc là kiếm đầy gùi, đồng bào chỉ lấy một ít làm rau, còn thì coi như đồ bỏ. Măng không ai lấy để mọc thành cây. Nay rừng ngày một xa buôn nên muốn tìm măng phải đi tít vào tận rừng sâu mới hy vọng được đầy bao khi mặt trời xuống núi. Chúng tôi gắn bó với nghề hái măng rừng từ nhỏ, cuộc sống khó khăn, khổ cực quen rồi. Mùa măng đến là niềm vui, có tiền trang trải cuộc sống và cho con đi học. Người đàn bà đã trải qua mấy chục mùa măng ở đây trải lòng.

Với kỹ năng, và kinh nghiệm của mình, Chị Chàng Thị Sang (xã Ea Kiết) cầm con dao chặt một đúp măng rừng và nhanh nhẹn lột sạch vỏ măng, lộ ngay búp măng trắng bóc. Hỏi chuyện tiền bạc thu được, chị Sang cười, “Chị có hơn chục năm sống bám vào rừng, sống nhờ những hoa trái, củ quả bao đời nay. Người dân quanh vùng ít khi tính chuyện tiền bạc. Mấy năm gần đây, người miền xuôi lên mua măng nhiều, tiền bạc mới trở thành quan trọng với đồng bào. Phụ nữ như chúng tôi, mùa lộc rừng đã trở thành mùa hò hẹn cùng những chuyến đi. Những cánh rừng hoang sơ nơi này bao đời nay vẫn dang rộng vòng tay, đủ sản vật, đủ lộc để nuôi sống con người”.

Măng rừng ít nhiều đã góp phần cải thiện thu nhập, đời sống người dân vùng sâu xa, song công việc mưu sinh bằng nghề hái măng cũng không hề dễ dàng. Nghe họ kể thì đơn giản, nhưng ăn được lộc rừng cũng rưng rưng nước mắt. Anh Thêm, xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), trong mùa măng của mấy năm trước, anh bị té gãy chân, nằm ở nhà cả tháng trời. Và cũng có nhiều trường hợp, khi vào rừng hái măng bị rắn độc cắn, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng biết làm sao, sống nhờ rừng và niềm vui được bù đắp là những buổi chiều trở về với chiếc bao trĩu nặng vài ba chục ký trên vai.

Dõi tầm mắt ra xa, nơi cánh rừng với màu xanh bạt ngàn, mùi măng luộc ngai ngái quyện vào cái lạnh đêm đại ngàn, tôi bất giác nhớ về bàn chân trần của những người phụ nữ, em nhỏ lầm lũi trên những con đường mòn phủ đầy đất đỏ. Từ chiếc gùi trĩu nặng băng rừng, vượt suối, đặc sản từ măng theo chân thực khách về xuôi.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG