Mưu sinh giữa đại ngàn: Nghề nhặt 'tiền' rơi trên núi

0:00 / 0:00
0:00
Em nhỏ người M’nông phơi phân bò giúp gia đình
Em nhỏ người M’nông phơi phân bò giúp gia đình
TP - Những cánh rừng hoang sơ giữa đại ngàn Tây Nguyên kì bí, hùng vĩ vẫn dang rộng vòng tay, đủ sản vật, đủ lộc để nuôi sống nhiều phận người đang bươn chải kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. Họ đã có cuộc sống ổn định từ những nghề khá đặc biệt. Có nghề tiếp nối từ truyền thống xa xưa, có nghề mới được hình thành từ hối thúc sinh kế.

Tây Nguyên trời nắng đổ lửa, cơn gió hắt thẳng hơi nóng vào những thân người lom khom trên triền đồi hay cánh đồng, lần mò tìm phân trâu, bò. Họ cố nhặt cho đầy gùi, bao. Công việc kiếm sống đặc biệt nhưng thường nhật của bà con, trẻ nhỏ ở nhiều xã vùng sâu tỉnh Đắk Lắk.

Tiền từ... thứ phế thải

Từ các ngả đường trong thôn, buôn huyện Krông Bông, đoàn người quần áo kín mít rảo bước nhanh theo dấu chân trâu bò nhặt phân. Bà H’Uyên (61 tuổi, xã Yang Reh) lom khom lần tìm phân bò giữa cánh đồng trơ rơm rạ. Đưa tay quệt nhanh những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt rám nắng, bà trải lòng: “Trước kia người dân nơi đây chỉ trông chờ vào hạt lúa. Hơn chục năm nay, mọi người có nghề nhặt phân bò, thu nhập khá hơn. Ai cũng cố tận dụng thời gian khi trời nắng ráo, mùa mưa đến cơ hội kiếm tiền sẽ nhão ra theo dòng nước trời. Trước đây, ra đồng một buổi, tôi nhặt được 2-3 bao đầy. Bây giờ, người ta chăn bò xa trên đồi cao, thân già như tôi không đủ sức leo nên tìm nhặt ở đồng ruộng. Mỗi ngày chăm chỉ cũng được đầy bao, bán được 35-40 nghìn đồng. Cả buôn tôi vào mùa khô đều đi nhặt phân bò”.

Mưu sinh giữa đại ngàn: Nghề nhặt 'tiền' rơi trên núi ảnh 1

Nghề chăn bò thuê và nhặt phân giúp người dân có thêm thu nhập

Mỗi ngày, 5 người của gia đình chị H’Thiêu ở xã Yang Reh dậy sớm đi dọc ruộng đồng, leo lên mấy đồi núi theo dấu chân bò để gom phân. “Đi mấy chỗ xa thì có nhiều nhưng mang về vất vả. Với người lượm phân, sợ nhất trời mưa. Mưa thì phân không khô nhanh, thấm nước nặng và thêm cả mùi hôi”, chị cho biết.

Từ khi có thêm nghề này, gia đình chị H’Thiêu đã bớt phần khó khăn. Sau gần 6 tháng mùa khô nhặt phân, chị có khoản thu nhập gần 35 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với một gia đình nông dân vùng sâu. “Những năm gần đây, phân trâu, bò tiêu thụ được nên chỉ cần đem hàng đến là được chủ thu mua đưa tiền ngay. Lúc đầu nhiều người hơi ngại nhưng nghề này sống được và lương thiện”, chị H’Thiêu nói.

Mùi ngai ngái xộc thẳng lên mũi. Bà H’Doan (65 tuổi, xã Yang Reh) ngồi chổm hổm trên hòn đá giữa triền đồi đảo phân, cười tươi: “Hôm nay nhặt được gần một bao, phơi hai nắng đem bán. Nghề này tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào”. Khi được hỏi bà có ý định gắn với nghề này bao lâu, bà cười xòa, bởi bà đã gắn bó với nó hơn chục năm giờ không làm cũng nhớ. Bà sẽ còn nhặt đến khi chân không thể đi nổi mới nghỉ. Giờ bà chỉ muốn như thế này, đủ sức để ngày nào cũng kiếm được gần 50 nghìn trang trải cuộc sống.

Phân bò đắt hàng

Chúng tôi ngược về huyện buôn Đôn, gió ràn rạt, dưới cái nắng chói chang như thiêu đốt, những đứa trẻ vùng sơn cước da đen nhẻm lầm lũi nhặt phân bò. Em Y Buyn (10 tuổi) cho biết, mỗi ngày có thể nhặt được hơn nửa bao đem về bán có thêm tiền mua sách vở. Hỏi nhặt phân có mệt không, em Buyn hồn nhiên: “Em theo bố mẹ lên nương rẫy phát cỏ, trỉa bắp quen rồi, nên nhặt phân khỏe re mà lại có tiền”.

Em H’Un và em H’Thin cùng nhóm bạn đi quanh các ngả đường, đồng ruộng để gom phân. Hơn hai ngày phơi nắng, các em lại có một bao phân khô bán. H’Thin thủ thỉ: “Nắng quá, nhặt hơi mệt nhưng được phụ giúp bố mẹ thêm tiền mua đồ ăn nên em vui”. H’Un chia sẻ thật thà: “Em thích trời mưa vì ít người đi nhặt phân, em sẽ nhặt được nhiều không phải giành nhau”. Cứ vậy, hè đến, các em lại lầm lũi giữa cái nắng nhặt nhạnh hồ hởi như du khách được đi điền dã. H’Thin nói: “Cả buôn em, hầu hết các bạn đều đi nhặt phân trâu bò về bán. Bây giờ dịch bệnh nên cái gì cũng khó khăn, việc kiếm tiền cũng vất vả hơn”.

Vác bao phân khô trên vai, H’Thin, H’Thun chạy nhanh trên con đường đất đỏ gồ ghề, tiến về ngôi nhà nhỏ giữa bãi đất trống. “Bao này 35 nghìn, bao này vơi hơn 30 nghìn nhé…”, giọng khàn khàn của chị mua phân bò nói. Cầm số tiền sau một ngày lao động vất vả, 2 em líu lo hát rồi nắm tay nhau về nhà. Xách 2 bao phân đổ xuống đất, chị Nguyễn Thị Khuyên (đã có 5 năm mua phân bò) cho biết: “Bà con ở đây mưu sinh bằng nghề nhặt phân bò kể ra cũng có tiền. Mấy năm gần đây, các chủ vườn cà phê, cao su ráo riết tìm mua phân bò về bón lót nên phân có giá, 35 nghìn/bao tầm 15-20 kg”.

Theo ông Y’ Quyn (huyện Buôn Đôn), không biết trong phân trâu, bò khô có chất gì đó cần thiết cho cây công nghiệp phát triển. Hàng năm, người dân quanh vùng nhặt ròng rã suốt một mùa khô kéo dài 6 tháng trời, vậy mà không đủ phân để bán cho họ.

Một buổi trưa nắng như thiêu đốt, ở huyện vùng biên Ea Súp, nhiều người đi chăn bò thuê nghỉ trưa dưới gốc cây rợp bóng. “Ở đây, nhiều gia đình chuyên sống bằng nghề chăn bò thuê và tăng gia bằng nghề phụ đi nhặt phân về bán kiếm tiền. Một năm bò đẻ được 5 con thì người chăn thuê được 2 con, còn có tiền từ việc nhặt phân khô, nên thu nhập cũng ổn”, Bà H’Phun chuyên chăn bò thuê cho biết.

Ông Hoàng Văn Nhâm (xã Ia Lơi, huyện Ea Súp) chủ đàn bò 30 con kể, trước đây, phân bò đầy đường, mưa đến bốc mùi gây ô nhiễm. Từ khi nhiều người mua phân bò về bón lót cho cây cà phê, giá phân lên, số người lượm phân cũng tăng. Hễ nơi đâu có trâu bò thả rong, nơi đó có người đến lượm, đường, bãi trở nên sach sẽ.

“Theo ông Nguyễn Cao Cương, chủ một vườn cà phê ở huyện Cư M’gar, người dân trồng cà phê chủ yếu đặt mua phân bò ở huyện trong tỉnh, mỗi lần đặt mấy trăm bao vì phân bò nơi đây chất lượng, không có tạp chất, mua về ủ rồi bón cho cà phê giúp cây sinh trưởng tốt và ít sâu bệnh.

Gia đình anh Nguyễn Minh Mẫn (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) có thâm niên 13 -14 năm thu mua phân bò cho biết: “Các chủ vườn cà phê, tiêu thường đặt mua phân bò với số lượng lớn. Hằng ngày, tôi đi vào các buôn làng trong huyện và huyện lận cận để gom phân bò của bà con. Mùa này, mua được khoảng 40-50 bao/ngày. Nhiều lúc không đủ phân để bán”.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.