Bác sĩ dặn nhớ kỹ những điều này nếu không muốn cả nhà ngộ độc thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngộ độc thực phẩm là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm là nhóm vi sinh vật gây bệnh Salmonella.

Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm Ngô Xuân Dũng: Salmonella là trực khuẩn gram âm, hiếu khí hoặc kỵ khí tùy tiện, không có nha bào, dễ xuất hiện ở các môi trường thông thường. Vi khuẩn này thường sống trong ruột của động vật và con người, và có thể lây lan sang người qua thực phẩm bị ô nhiễm.

Bác sĩ dặn nhớ kỹ những điều này nếu không muốn cả nhà ngộ độc thực phẩm ảnh 1
Những nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thịt, trứng, sữa… dễ bị nhiễm Salmonella.

Salmonella nhạy cảm với nhiệt độ, thời gian đun nấu để có thể phá hủy được vi khuẩn ở 60℃ trong vòng 45 phút, 70℃ trong 2 phút và 85℃ trong 1 giây. Thói quen của người tiêu dùng là nếu thực phẩm ngày hôm trước ăn không hết, thì để tủ lạnh đến ngày hôm sau ăn tiếp, đó chính là nguyên nhân dễ khiến cho người ăn bị nhiễm salmonella do quá trình bảo quản không đúng cách.

“Những nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thịt, trứng, sữa… dễ bị nhiễm Salmonella. Với gia cầm bị bệnh, Salmonella có thể tồn tại ở buồng trứng nên ngay sau khi gia cầm đẻ trứng đã nhiễm vi sinh vật. Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonella” - Ths.Ngô Xuân Dũng cho biết.

Một số loại gia cầm khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể có ở vỏ trứng.

Trứng và sữa là nguyên liệu được sử dụng nhiều để làm các đồ ăn, uống, nhân bánh ngọt… Đồ ăn này nếu chế biến ở nhiệt độ chưa đủ để tiêu diệt vi khuẩn thì cũng dễ bị nhiễm bệnh.

Rau quả tươi, đặc biệt là rau lá xanh, có thể bị nhiễm Salmonella do tiếp xúc với phân động vật hoặc nước tưới bị ô nhiễm. Cà chua, dưa chuột, ớt chuông cũng có thể chứa Salmonella nếu không được rửa kỹ trước khi ăn.

Bác sĩ dặn nhớ kỹ những điều này nếu không muốn cả nhà ngộ độc thực phẩm ảnh 2

Một số loại gia cầm khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể có ở vỏ trứng.

Cơ chế tác động của Salmonella là sau khi lây nhiễm trong sản phẩm thực phẩm, vi sinh vật bắt đầu sinh sôi tạo ra lượng tế bào nhất định trong thực phẩm. Khi chúng ta ăn vào, vi khuẩn tấn công vào tế bào biểu mô của ruột non. Với khả năng sinh ra kháng nguyên gene độc của vi khuẩn Salmonella sẽ gây ra tình trạng kích ứng của tế bào biểu mô của ruột non dẫn đến tiêu chảy, mất nước, suy kiệt cơ thể, thậm chí tử vong nếu không xử lý kịp thời, nhất là trẻ em.

Tùy từng trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, thời kỳ ủ bệnh thường từ 12-24 giờ, có thể kéo dài vài ngày sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, bao gồm sốt, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa. Triệu chứng thường kéo dài 4-7 ngày.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc do salmonella không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh và truyền dịch. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khiến việc điều trị nhiễm khuẩn trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Người bệnh cũng không nên bỏ qua các triệu chứng, điều này có thể nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Các triệu chứng như tiêu chảy và nôn mửa có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, đòi hỏi phải điều trị y tế.

Những sai lầm trong cách xử trí ban đầu khi bị ngộ độc thực phẩm thường khiến cho tình trạng của bệnh nhân có thể bị nặng hơn, gây nhiễm trùng. Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng (BV Đại học Y) khuyến cáo: “Sai lầm của người nhà là khi bệnh nhân bị mất nước thì cố gắng bù nước bằng oresol nhưng bệnh nhân đã bị nôn thì không thể uống bù nước được nên phải đến bệnh viện để truyền dịch. Mất nước khiến tình trạng bệnh nặng lên. Thứ hai, sai lầm lớn nhất của gia đình là tự điều trị bằng thuốc mà ở đây là dùng thuốc sai. Bệnh nhân đến bệnh viện, bác sĩ phải xác định đúng loại vi khuẩn gây bệnh. Bởi vì nếu đã nhiễm vi khuẩn thì chỉ có kháng sinh phù hợp với đường tiêu hóa mới tiêu diệt được vi khuẩn. Muốn vậy thì phải điều trị sớm”.

Có một số biện pháp khắc phục tại nhà được cho là có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella, chẳng hạn như uống nước gừng, ăn sữa chua hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiệu quả của những biện pháp này.

Bác sĩ dặn nhớ kỹ những điều này nếu không muốn cả nhà ngộ độc thực phẩm ảnh 3

Món thịt heo xíu trong bánh mì Phượng có vi khuẩn Salmonella, gây ngộ độc khiến 141 người nhập viện.

Thay vì tự điều trị, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm khuẩn Salmonella. Bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng của bạn và kê đơn điều trị phù hợp.

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để đề phòng những biến chứng nặng có thể xảy ra: Sốt cao; Tiêu chảy dữ dội hoặc có máu; Nôn mửa liên tục; Đau bụng dữ dội; Mất nước (khô miệng, chóng mặt, tiểu ít).

MỚI - NÓNG