Một số doanh nghiệp vận tải vô trách nhiệm với xã hội

Anh minh họa.
Anh minh họa.
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, việc giảm cước vận tải cầm chừng khi giá xăng đã giảm mạnh là một sự vô trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Theo ông Kiên, nếu đúng theo nguyên tắc của thị trường, khi giá xăng dầu giảm thì các sản phẩm, hàng hóa có liên quan cũng sẽ giảm giá theo. Nhưng thực tế, thời gian qua giá xăng dầu đã giảm rất sâu, nhưng giá cước vận tải và nhiều mặt hàng hóa khác đã không giảm theo.

“Chúng ta bấy lâu vẫn kỳ vọng rằng, khi xăng dầu giảm giá thì sẽ tạo động lực kích thích tiêu dùng, người dân sẽ được hưởng lợi. Nhưng thực tế cuối cùng cho thấy, lợi nhuận đã chảy hết vào túi doanh nghiệp, doanh nhân, còn người dân được lợi chẳng là bao”, ông Kiên bức xúc.

Theo ông Kiên, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý nhà nước về giá như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ GTVT… phải nghiên cứu tính toán xem chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong giá thành sản phẩm. Rồi với mức giá xăng dầu như hiện nay thì một tuyến đường 100km, giá cước sẽ là bao nhiêu thì hợp lý? Sau đó cơ quan quản lý cần công bố giá cước trên để cho người dân và xã hội biết để đấu tranh với doanh nghiệp chây ì, không chịu giảm.

Ngoài ra, ông Kiên cho rằng, Bộ Tài chính nên sử dụng công cụ về thuế để xử lý các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước. Trước mắt cần tiến hành thanh tra, kiểm tra về thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp vận tải. Nếu phát hiện ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tăng mức thuế đối với các doanh nghiệp vận tải. “Không thể chấp nhận việc xăng dầu giảm giá sâu mà hàng hóa và giá cước lại không giảm được”, ông Kiên nói.

MỚI - NÓNG