Dấu ấn Lý Quang Diệu
Từ một vùng đầm lầy biến thành mảnh đất trù phú bậc nhất thế giới, từ một đất nước bị trục xuất trở thành một quốc gia cư dân khắp hành tinh phải khao khát - Singapore có quá nhiều lý do để thương tiếc ông Lý Quang Diệu.
Thế hệ những người lớn tuổi ở Singapore sẽ khó có thể quên những ngày vất vưởng, đói nghèo, xung đột của thời thuộc địa Anh, của ngày sáp nhập vào Liên bang Malaysia rồi bị trục xuất không thương tiếc. Ông Lý Quang Diệu đã thay đổi tất cả bằng những chính sách quyết đoán, bằng tầm nhìn xa trông rộng hiếm thấy, bằng lòng nhiệt huyết tột cùng để đưa Singapore trở thành một hình mẫu thành công cả Á lẫn Âu đều phải học tập, nghiên cứu.
Đất hẹp, dân ít, không tài nguyên, vậy mà dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu và đảng Hành động nhân dân (PAP), Singapore trở thành một trung tâm tài chính và dịch vụ hậu cần của cả thế giới. Người dân ở đây còn kiếm bộn tiền từ ngành lọc dầu, đóng tàu và công nghệ sinh học.
Dường như ông đứng sau mọi bước đi của Singapore, kể cả khi đã từ chức thủ tướng mà ông đã giữ suốt 31 năm để trở thành Bộ trưởng cao cấp và Bộ trưởng cố vấn thêm 21 năm. Ngay cả khi bước chân ra khỏi chính trường, mọi động thái của đảo quốc sư tử vẫn in đậm dấu ấn Lý Quang Diệu.
Tờ Los Angeles Times dẫn lời Kishore Mahbubani, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore và từng là một nhà ngoại giao lâu năm của Singapore, nhận xét: “Ngay từ ngày đầu tiên, Singapore đã quan tâm đến mọi nhu cầu xã hội của người dân, từ nhà cửa đến chăm sóc sức khỏe, từ giáo dục đến môi trường”.
Suốt 5 thập niên qua, nhìn chung người dân Singapore phục tùng các chính sách của nhà lãnh đạo lão luyện, để cho ông toàn quyền “chăm sóc” họ theo cách của ông.
Dù vấp phải một vài sự chống đối vì chính sách lãnh đạo với bàn tay sắt, hạn chế quyền dân sự nhưng với tính cách rất mạnh mẽ và cơ sở chính trị vững chắc (đảng PAP nắm ghế gần như là tuyệt đối tại quốc hội qua các kỳ bầu cử), ông Lý Quang Diệu rộng đường thực thi các chính sách mà ông tin tưởng.
Thế hệ lớn tuổi biết ơn ông Lý Quang Diệu , thế hệ trẻ cũng biết ơn ông nhưng đòi hỏi sự thay đổi. Ảnh: AFP.
Một Singapore khác biệt?
Nhưng mọi chuyện dường như đang dần thay đổi. Cột mốc rõ ràng nhất là từ kỳ bầu cử gần đây nhất vào năm 2011, khi PAP lãnh kết quả tồi tệ nhất kể từ khi lập quốc. Dù vẫn nắm đến 81 trong số 87 ghế tại quốc hội nhưng kết quả này là hồi chuông báo động đối với PAP cho thấy người dân Singapore đang muốn thay đổi.
Trong khi thế hệ trước biết ơn sâu sắc ông Lý Quang Diệu vì đã thay đổi cuộc sống của họ, thay đổi vận mệnh đất nước thì thế hệ trẻ lớn lên khi cây đũa thần của vị thủ tướng đầu tiên từ lâu đã phát huy tác dụng. Mọi thứ đã sẵn có trong tầm tay, học thức cao, tiếp xúc nhiều với các nền dân chủ theo kiểu phương Tây…, họ lớn tiếng đòi hỏi.
Carlton Tan, một nhà báo thuộc thế hệ trẻ tại Singapore, viết: “Chúng tôi biết ơn ông vì nền kinh tế đã đi lên trong nhiều thập niên qua nhưng chúng tôi tự hỏi liệu có thực sự cần thiết để hy sinh sự tự do của chúng tôi hay không. Chúng tôi biết ơn vì sự ổn định và an ninh nhưng chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi có thể duy trì điều đó mà không có một xã hội dân sự hùng mạnh hay không”.
Giờ đây, người Singapore có thể tôn vinh ông Lý Quang Diệu của họ bằng cách đưa ra những câu hỏi gai góc, những quyết định khó khăn và hình dung về một Singapore khác biệt - đó là quan điểm của Tan và có lẽ cũng là tiếng nói của nhiều người trẻ hiện đại luôn khao khát sự thay đổi.
Sự ra đi của ông Lý Quang Diệu có thể sẽ mở đường một số thay đổi. Nhưng liệu sẽ thay đổi tới đâu?
Dot Movement từng kêu gọi được đến 26.000 người xuống đường. Ảnh: Reuters.
Túi tiền
Đâu đó, những tiếng nói dị biệt đã mạnh hơn, chẳng hạn phong trào Pink Dot - vốn đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới - từng kêu gọi được đến 26.000 người trong một cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử để chống lại sự phân biệt đối xử với cộng đồng này trong hiến pháp.
Nhưng trong bối cảnh PAP vẫn nắm đến 81/87 ghế tại quốc hội và còn lâu mới có đối thủ nào mong hất cẳng được bàn trụ này, sẽ chẳng có sự thay đổi to lớn nào trong tương lai gần. Những ai “hăng máu cải tiến” sẽ càng khó toại nguyện khi dòng họ Lý và các ông lớn trong PAP kiểm soát những cột trụ quan trọng trong nền kinh tế, xã hội Singapore, từ công ty viễn thông đến các trường đại học.
Còn một lý do quan trọng nhất: túi tiền. Cả thế giới này phải nghiên cứu về những chính sách mà ông Lý Quang Diệu đã thực hiện để hô biến vùng đầm lầy nghèo khó thành mảnh đất thuộc loại màu mỡ nhất hành tinh. Các chính sách ấy vẫn đang phát huy công dụng mạnh mẽ. Hẳn con người ta sẽ phải suy nghĩ thật kỹ trước những giá trị còn đang mông lung nếu phải gánh rủi ro đánh mất túi tiền.
Nhiều nhà quan sát đồng ý rằng ngay cả khi con trai ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đương chức Lý Hiển Long có thôi chức thì nền tảng Lý Quang Diệu vẫn còn đó. Mọi sự thay đổi sẽ là dần dần và không quá lớn, ít nhất là trong vài thập niên tới.
Hẳn nắm đấm thép của ông Lý Quang Diệu sẽ nới lỏng hơn sau khi ông qua đời nhưng ông vẫn đang ở đó giữa đất nước Singapore trù phú mà ông đã dày công gầy dựng.
Lúc sinh thời và còn khỏe mạnh, ông Lý Quang Diệu từng nói: “Ngay cả khi tôi nằm liệt giường, ngay cả khi anh chuẩn bị chôn tôi xuống mồ mà tôi thấy có điều gì sai trái, tôi cũng sẽ bật dậy”.
Tất nhiên, giờ đây ông chẳng thể bật dậy theo nghĩa đen nhưng tư tưởng Lý Quang Diệu, đường lối Lý Quang Diệu, dấu ấn Lý Quang Diệu vẫn đang vang vọng và sẽ còn vang vọng rất xa.