Một năm chính sách tiền tệ: Còn lắm bộn bề

Một năm chính sách tiền tệ: Còn lắm bộn bề
TP - Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, năm 2013 ngành ngân hàng đã làm được nhiều việc lớn trong điều hành chính sách nhưng không ít vấn đề không đạt được như: tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,83% thay vì 12% như mục tiêu đề ra; giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chậm nằm ngoài dự đoán.

> Thị trường tiền tệ 2013: Kỷ luật đã được siết lại

Tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,83%

Tại cuộc họp báo tổng kết và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước, ngày 16/12, Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2013, ngành ngân hàng đã làm được nhiều việc.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất hiện đã giảm 2-5% so với đầu năm, trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Tính đến 5/12, các khoản lãi suất cho vay trên 15%/năm chỉ còn 6,94%. So với tỷ lệ hơn 75% các khoản vay có mức lãi suất trên 15% vào hồi tháng 7/2012 thì đây là mức giảm rất lớn. Các khoản cho vay lãi suất trên 13% cũng chỉ còn khoảng 20,4%.

Bà Hồng cũng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của ngành đề ra từ đầu năm 2013 đã không đạt được do đến ngày 12/12, mới tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ cao hơn năm ngoái (8,91%). Ngành ngân hàng cho biết, năm 2014 đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 12-14%.

 “Quan điểm của cơ quan thanh tra giám sát NHNN là hoạt động ngân hàng mang tính chất đại chúng nên việc niêm yết dần phải bắt buộc nhưng phải tính toán lộ trình hợp lý”. 

Ông Đặng Văn Thảo

Lý giải thêm về việc tăng trưởng tín dụng tăng chậm, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến các năm trước, theo quy luật, tăng trưởng tín dụng của tháng cuối cùng trong năm thường đạt khoảng 3%. “Đến giữa tháng 12, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 8,83%, dự báo hết tháng này chúng ta sẽ đạt tăng trưởng trên 9%.

Tín dụng tăng thấp nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu của nền kinh tế thấp, khả năng hấp thụ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh thấp, sự lắng đọng của một số thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản đây là một yếu tố tích cực”, ông Tiến đánh giá.

Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng tăng chậm, theo giải thích, là do việc giải ngân chậm của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Sau 6 tháng triển khai, các ngân hàng mới giải ngân được chưa đến 2% tổng hạn mức của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

“...Chúng ta chỉ nghĩ rằng, có tiền đưa ra là có thể cho vay ra được. Vì có nhu cầu của những người mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp. Nhưng thực tế, nguồn cung trên thị trường là vấn đề chính”, Phó Thống đốc Tiến cho biết.

Theo đại diện NHNN, trong năm tới, quan điểm của NHNN là sẽ phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ Việt Nam đồng, hạn chế sự dịch chuyển sang USD. “Chúng tôi sẽ cùng các bộ ngành xây dựng thông tư cho phép dùng tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn”, bà Hồng cho biết.

Xử lý gần 106 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Theo đại diện NHNN, một trong những điểm sáng của ngành trong năm nay chính là nợ xấu đã được xử lý và từng bước được kiểm soát. Theo ước tính, tổng nợ xấu đã được xử lý trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng đạt 105.900 tỷ đồng.

Trong đó, riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đến ngày 16/12 mua được gần 28.170 tỷ đồng dư nợ gốc của 26 tổ chức tín dụng với giá 22.863 tỷ đồng. Tổng nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 đến hết tháng 10/2013 cũng khoảng 316.800 tỷ đồng. Điều này góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, đồng thời giảm bớt gánh nặng trả lãi phạt do nợ quá hạn.

Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, ông Đặng Văn Thảo cũng cho biết, sang năm 2014 và 2015 là năm ngành ngân hàng có nhiều việc phải làm tiếp. Như việc sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro cũng như bán nợ xấu cho VAMC. NHNN cũng đang tính tới việc có thể chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHTM phân loại nợ xấu thành 3 nhóm để xử lý.

Về việc một số ngân hàng muốn tiếp tục hoãn thực hiện Thông tư 02, ông Thảo cho rằng, Thông tư 02 đã hoãn một năm trong năm vừa rồi là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khách hàng, ngân hàng trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, không thể để hoãn lâu hơn được.

“Quan điểm của cơ quan tham mưu, cơ quan giám sát tư vấn cho Thống đốc là hoãn đến tháng 6/2014 sẽ áp dụng triệt để. NHNN cũng có chỉ thị, bản thân cơ quan thanh tra giám sát yêu cầu tổ chức tín dụng phải tự tính toán xem mức độ những khoản nợ xấu của ngân hàng cũng như các khoản đầu tư không sinh lời… trên cơ sở đó có kế hoạch để trích lập dự phòng”, ông Thảo khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG