Mộng Viễn Đông và những bức tranh trăm tuổi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mộng Viễn Đông là triển lãm giới thiệu hơn 50 tác phẩm hội họa của các giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương cùng các họa sĩ Pháp đã đến và sống tại Việt Nam từ khoảng 100 năm trước. Triển lãm do nhà đấu giá tranh nổi tiếng thế giới Sotheby’s thực hiện giữa tháng 8 vừa qua tại TPHCM.

Triển lãm gây được sự quan tâm của những người yêu hội họa Việt Nam, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên, những tác phẩm mỹ thuật này được ra mắt công chúng Việt Nam, mà còn giúp người thưởng lãm hiểu sâu hơn về sự hình thành của một nền mỹ thuật ở Đông Dương phía sau những bức tranh.

Viên gạch đầu tiên của nền Mỹ thuật Đông Dương

Triển lãm còn giúp cho người xem hiểu về sự hình thành trường Mỹ Thuật Đông Dương cũng như sự ra đời của một trường phái mỹ thuật Việt Nam với nhiều danh hoạ nổi tiếng thế giới.

Mộng Viễn Đông và những bức tranh trăm tuổi ảnh 1

Rặng Ba Vì nhìn từ ruộng Sơn Tây (Joseph Inguimberty)

Theo thông tin tại triển lãm, từ cuối thế kỷ 19, Chính phủ Pháp đã cử nhiều họa sĩ tới vùng thuộc địa Đông Dương với nhiệm vụ ghi chép và thuật lại bằng hình ảnh những quang cảnh, con người, hoạt động văn hóa- xã hội nơi đây. Năm 1885, Gaston Roullet trở thành Họa sĩ Hải quân đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, mở màn cho một thế hệ hoạ sĩ sau đó như Charles Dominique Fouqueray, Maurice Ménardeau, Jean-Louis Paguenaud, hay Roger Nedelec, Louis-Jules Dumoulin…. Louis-Jules Dumoulin sau này về Pháp đã thành lập ra Hiệp hội Họa sĩ Thuộc địa Pháp năm 1908, đồng thời khởi xướng Giải thưởng Đông Dương vào năm 1910 để khuyến khích các họa sĩ tới Đông Dương.

Các họa sĩ nhận giải thưởng được tài trợ một năm du lịch nghiên cứu và đi lại miễn phí trên toàn Đông Dương. Đã có một số họa sĩ nhận được Giải thưởng Đông Dương như Gustave Martinien Salge, Géo Michel và Jean Despujols, Victor Tardieu…. Năm 1924, khi cùng với họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đứng ra thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, Hiệu trưởng đầu tiên của trường là Victor Tardieu đã bổ sung thêm một điều kiện cho người nhận Giải thưởng Đông Dương phải ở lại Việt Nam thêm một năm để giảng dạy tại trường.

Năm 1925, trường Mỹ thuật Đông Dương tuyển sinh và khai giảng khóa đầu tiên. Chương trình giảng dạy phát triển theo từng năm, mở rộng từ sơn dầu sang cả điêu khắc, sơn mài. Bên cạnh hội họa còn có kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Ngoài Tardieu, danh sách giảng viên cố định bao gồm Joseph Inguimberty, Alix Aymé, và Évariste Jonchère….và một số họa sĩ khác.

Trong những năm đầu tiên hoạt động, ngôi trường đã sản sinh ra nhiều tên tuổi tiên phong như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Gia Trí…. Mặc dù sử dụng giáo trình hội họa hàn lâm châu Âu, tập thể giáo viên và học sinh trường Mỹ thuật Đông Dương đã bản địa hóa cách tiếp cận bằng cách giới thiệu những chất liệu truyền thống Việt Nam vào sáng tác như sơn mài, lụa và khắc gỗ, với tư tưởng và đề tài lấy cảm hứng từ văn hóa và con người nơi đây, tạo nên sự giao thoa Á-Âu độc đáo trong dòng chảy nghệ thuật mỹ thuật.

Hồn Việt trong tranh của những ông thầy Tây

Không chỉ truyền bá kiến thức hội họa, các ông thầy tại trường Mỹ thuật Đông Dương còn sáng tác về Việt Nam. Hơn 50 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn của họ tới những danh họa Việt Nam sau này. Theo nhà phê bình Ngô Kim Khôi, các bức tranh mang đậm vẻ đẹp huyền bí, mộng mơ, thể hiện cảm hứng nghệ thuật của những họa sĩ phương Tây.

Những cành cọ, cành phượng, màu sắc nhiệt đới trong tranh hoàn toàn lạ lẫm với người Pháp nhưng lại khắc họa được nét đẹp đậm tính Việt mà người xem dễ nhận thấy. Những bức tranh tại triển lãm thực sự là những di sản quý giá bởi nó cho thấy bút pháp của những họa sĩ bậc thầy, những người góp phần dựng nên lịch sử hội họa Việt Nam, họ đã đóng góp rất nhiều cho Việt Nam có được nền mỹ thuật như hiện nay.

“Hiện nay đã gần tới mốc 100 năm thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, và đây là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sĩ Pháp tới Đông Dương. Họ không những lập nên một kinh viện, mà kéo theo đó còn cả một trường phái nghệ thuật với di sản đồ sộ. Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân và cả tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, và cả chiều ngược lại”.

Ace Lê - Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s

Họa sĩ Phan Thanh Long cho rằng đây thực sự là những bức tranh vô giá. “Các bức tranh ở triển lãm này không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn cho người xem hiểu thêm về bút pháp, về những kiến thức hội họa mà các ông thầy đã truyền cho các thế hệ học trò để hình thành nên nền Mỹ thuật Việt được thế giới đánh giá cao, để những bức tranh của học trò đã được định giá cả triệu đô trên thị trường tranh.

Theo tôi được biết, hiện những bức tranh này đang nằm trong tay các nhà sưu tập tư nhân và họ không có ý định đem bán. Và nếu đem ra đấu giá thì tôi nghĩ số tiền cũng sẽ rất cao”.

Mộng Viễn Đông và những bức tranh trăm tuổi ảnh 2

Vịnh Hạ Long (Jean Louis Paguenaud)

Trong 4 ngày triển lãm (14-17/8), Mộng Viễn Đông đã thu hút đông đảo người thưởng lãm và đây là lần đầu tiên họ được chiêm ngưỡng những bức họa của các họa sĩ châu Âu vẽ mảnh đất quê hương Việt Nam cách đây cả trăm năm. Vẻ đẹp của làng quê, con người hay những nét sinh hoạt của đời sống giúp cho người xem thêm hiểu về cuộc sống người Việt cách đây một thế kỷ.

Qua triển lãm, người xem có thể biết được về sự ảnh hưởng của “những ông thầy” tạo nên nền mỹ thuật Việt Nam hòa quyện tính dân tộc và hiện đại đang phát triển ngày càng mạnh mẽ.

MỚI - NÓNG