Mét vuông mấy nhà báo?

TP - “Không kể Hoàng Sa thì Đà Nẵng có 0,85 người làm báo/1km2, còn kể cả Hoàng Sa thì có 0,65 người làm báo/1km2”. Phát biểu của ông Bùi Quang Thanh, giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng tại kỳ họp HĐND thành phố hai ngày trước đang khiến báo giới dở cười dở mếu về “thân phận” của mình!

Một khi đã nhân chia ra con số nhà báo lẻ đến hai số thập phân trên mỗi cây số vuông, thì đây hẳn có ẩn ý, chứ không phải nói theo suy nghĩ bất chợt. Con số chứng minh mật độ “chắc chắn đứng đầu cả nước” của báo chí tại Đà Nẵng cũng được lãnh đạo Sở này công bố, đó là Đà Nẵng hiện có hơn 109 cơ quan báo chí, với hơn 800 người làm báo, trong đó 400 nhà báo được cấp thẻ.

Ý kiến trên được chủ tọa kỳ họp HĐND thành phố chia sẻ: “Bây giờ Đà Nẵng được cả nước quan tâm, chúng tôi đang bị đặt dưới không những kính lúp mà kính hiển vi nữa”.

Nhớ tại cuộc gặp mặt nhà báo nhân ngày 21/6 mới đây, khi đối diện với Bí thư và Chủ tịch thành phố này, tôi đã chia sẻ về tính chất quyết liệt, đeo bám đến cùng của các nhà báo miền Trung đứng chân tại đây. Với những động đất thủy điện Sông Tranh 2, di dời nhà máy thép Việt Pháp ở Quảng Nam, biệt phủ Hải Vân, tòa nhà trung tâm hành chính, cầu chui sông Hàn cho đến Sơn Trà ở Đà Nẵng gần đây... Báo chí ở Đà Nẵng cũng tiên phong dấn thân vào bão lũ, đối mặt giàn khoan 981 của Trung Quốc với vòi rồng, đâm va giữa Hoàng Sa… Để thấy rằng cần sẵn sàng đối diện và cởi mở với báo chí trong việc cung cấp, trao đổi mọi thông tin lớn nhỏ, cũng như đối thoại công khai, trực tiếp và thẳng thắn khi cần thiết. Như truyền thống vốn có của Đà Nẵng.

Thực ra, những câu chuyện nhà báo đứng chân tại Đà Nẵng phản ánh không có gì cá biệt, so với bổn phận và trách nhiệm của báo chí trước hiện thực ở mọi nơi. Cũng như với báo chí, truyền thông trên thế giới. 

Câu chuyện cũng không phụ thuộc vào nhà báo và số lượng nhà báo, mà là thông tin. Tính nhất quán về thông tin đưa ra của đông đảo báo chí trong một vụ việc cụ thể nào đó đều xuất phát từ yêu cầu chính đáng phản ánh những gì là sự thật và gần với sự thật nhất. Là lăng kính của sự thật và bản chất vấn đề, chứ không phải kính lúp hay hiển vi.

Thực tế, hiện có không ít địa phương mà lãnh đạo các cấp ngành suốt cả tuần, cả tháng không thấy xuất hiện trên mặt báo, đài. Cả việc tốt cũng như chưa tốt. Vậy địa phương đó sống và làm ăn thế nào? Nếu không có cái hạn chế để phê phán thì cũng phải có thành quả gì đó để cổ vũ, biểu dương chứ! Tồn tại theo kiểu “lịm dần” bị báo chí bỏ quên như vậy, chỉ có thể do không làm gì cả. Không làm gì thì lấy đâu ra chuyện để nói.

Mật độ nhà báo bao nhiêu là vừa? Câu hỏi và câu trả lời sẽ đều vô nghĩa. Bởi thời mạng xã hội lên ngôi bây giờ, không thể ngồi đếm mỗi cây số vuông có bao nhiêu nhà báo.

MỚI - NÓNG