Cấm xe máy và tương lai 2030

Cấm xe máy và tương lai 2030
TP - Một Hà Nội mà ai cũng đi nhẹ, nói khẽ, người dân đọc sách trên tàu điện… là bức tranh được phác họa cho 13 năm tới. Hướng đến kỳ vọng trên ở mốc thời gian 2030, hơn 91% đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bỏ phiếu thuận cho đề án hạn chế xe cá nhân, cấm xe máy.

Đó là quyết tâm lớn của các đại biểu, phản ánh ước vọng của người dân Thủ đô muốn thoát khỏi cảnh lái xe máy như đánh vật trên đường, hướng tới một nền giao thông văn minh, được quản lý bài bản.

Bây giờ, xe máy đang dần bị “liệt” vào dạng phế phẩm. Nhưng cách đây chưa lâu, đó là niềm kiêu hãnh không chỉ của người dân mà cả các cấp quản lý. Các chương trình phát triển xe máy cấp quốc gia được thực thi.

Hầu hết các tập đoàn sản xuất xe máy lớn nhất thế giới được trải thảm đỏ mời đầu tư. Không ít đại gia Việt xuất thân từ cơn lốc xe máy giá rẻ Trung Quốc … Từ cách hành xử đó, Việt Nam trở thành nơi có tỷ lệ người dân sử dụng xe máy nhiều nhất nhì thế giới (có thống kê chỉ đứng sau Đài Loan). Dân Thủ đô coi xe máy là tài sản, là người bạn trên đường mưu sinh.  

Trong khi đó, những đường ray tàu điện leng keng bị bóc lên dành đường cho xe máy, ô tô nhưng xe buýt không kịp thay thế khoảng trống đó; tàu điện trên cao hơn một thập kỷ nay chưa thể vận hành. Chưa kể, các đề án đưa công sở, bệnh viện, trường học ra ngoại thành dùng dằng, cao ốc liên tiếp mọc trong nội đô kéo theo dòng xe máy vào trung tâm. Vậy nên, trong cái lộ trình trúc trắc của xe máy ẩn hiện trục trặc của tư duy quản lý.

Nay, đề án cấm xe máy được thông qua, trước mắt các cơ quan chức năng Hà Nội sẽ là nhiệm vụ nặng nề để phát triển giao thông công cộng. Bởi, nói thẳng thắn như ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Lập đề án là để có kế hoạch, nêu quyết tâm chính trị, còn cấm xe máy hay không sẽ do Hội đồng nhân dân thành phố thời điểm năm 2030 quyết định!

Người Pháp phát triển hệ thống tàu điện ngầm tại Paris hơn 100 năm trước và đang tiếp tục mở rộng. Đó là nền tảng để họ không phải thông qua một nghị quyết cấm xe máy. Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Bộ GTVT (cơ quan tư vấn cho UBND TP Hà Nội bản đề án này) thì cho rằng, ở châu Âu có 7-8 tháng thời tiết buốt giá, người dân tự dưng không có nhu cầu đi xe máy, việc cấm xe máy chỉ xảy ra ở châu Á như ở ta…

Con số khảo sát 90% người dân đồng thuận (dù chưa thực sự thuyết phục, có phần nóng vội), hay 91% đại biểu hội đồng nhân dân đồng ý sẽ là một động lực cho công tác quản lý, điều hành giao thông. Nhưng nếu không nhìn thẳng vào thực tế để có những biện pháp quản lý vượt lên phía trước, thì viễn cảnh dân Thủ đô đọc sách trên tàu điện, ngồi xe buýt ngắm cảnh sẽ khó sớm thành hiện thực. 

MỚI - NÓNG