Sáng mai, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2020 sẽ khai mạc. Kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7/7.
Tại kỳ họp này Đề án “tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố” sẽ được UBND trình để HĐND TP xem xét thông qua, triển khai thực hiện.
Đề án này, UBND TP Đà Nẵng đề ra mục tiêu phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân thông qua các giải pháp và lộ trình kiểm soát sự gia tăng phương tiện, hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân tại một số khu vực trên địa bàn thành phố. Đồng thời kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố.
Ngoài các giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách giao thông, Đà Nẵng sẽ triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên triển khai đầu tư ngay các bãi đỗ xe tại các khu có mật độ dân cư đông đúc, các tuyến đường có quy mô cắt ngang dưới 7,5m theo hình thức đối tác công tư mà trước mắt tại các phường có mật độ dân số cao, đảm bảo đến năm 2018 có tối đa thêm 3 bãi đỗ xe công cộng với quy mô tổng cộng tối thiểu 300 ô tô hoặc tương đương.
Để xây dựng các bãi đậu xe, UBND cho rằng: nên đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách thành phố, kêu gọi nhà đầu tư đấu thầu quản lý vận hành. Đồng thời khuyến khích xây dựng các bãi đỗ xe dạng lắp ghép ở những khu vực chật hẹp, khu vực bệnh viện hay một số công trình công cộng...
Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành hành khách công cộng bằng xe buýt để đảm bảo tính bao phủ, hiệu quả hệ thống, trên nguyên tắc đảm bảo trong phạm vi 500m người dân có thể đi bộ tiếp cận sử dụng xe buýt. Đồng thời tổ chức triển khai đề án thí điểm xe đạp công cộng khu vực trung tâm, đến năm 2020 tổ chức lập dự án đầu tư và nghiên cứu khả thi cho phương án kỹ thuật để đề án đưa ra quy hoạch chi tiết, tổng mức đầu tư và quy mô, thiết kế…
Để hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, UBND TP đề xuất giải pháp xây dựng các tuyến đi bộ, cấm các phương tiện cơ giới cá nhân di chuyển trong khu vực này. Cấm các phương tiện cơ giới cá nhân hoạt động trên một số trục đường giao thông mà vận tải hành khách công cộng đã đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân. Cấm một số loại ô tô hoặc tất cả các loại ô tô (trừ xe buýt) hoạt động trên một làn đường nhất định để hỗ trợ cho việc vận hành xe buýt được thuận lợi..
Để kiểm soát phương tiện ô tô cá nhân, UBND Đà Nẵng đề xuất giới hạn số lượng đăng ký mới ô tô, xe máy hàng năm trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang không vượt quá một tỷ lệ nhất định so với năm trước đó. Sau khi có các quy định cụ thể của Nhà nước về kiểm định xe máy và lộ trình áp dụng, sẽ tổ chức vận động người dân giao nộp các phương tiện xe máy, mô tô không đảm bảo chất lượng yêu cầu kỹ thuật, thiết lập các địa điểm làm nơi giữ các phương tiện do người dân giao nộp để tiêu hủy. Xây dựng chính sách hỗ trợ đi kèm cho những người dân giao nộp xe gắn máy, khuyến khích những người dân nộp sớm (số tiền thay đổi tùy theo năm sử dụng). Đồng thời, lựa chọn thời điểm thích hợp để đề xuất ngừng hẳn việc đăng ký xe máy trừ các trường hợp thay mới do mất hay đổi chủ sở hữu, sau đó cấm hoàn toàn việc đăng ký.
Thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm 2028 – 2030.
Để hạn chế phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố, UBND Đà Nẵng đưa ra các giải pháp như: không xây mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề, không mở rộng quy mô các bệnh viện, trường học hiện có ở trung tâm thành phố; rà soát hiện trạng, đề xuất từng bước di dời các công trình tập trung đông người, kho hàng hóa ra khỏi trung tâm thành phố; nghiên cứu quy hoạch lại và bổ sung các bến xe khách liên tỉnh; phát triển ứng dụng CNTT trong việc triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; Nghiên cứu phương án thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân và khu vực trung tâm thành phố, nghiên cứu áp dụng sau năm 2025.
Lộ trình thực hiện các giải pháp theo đề án gồm 3 giai đoạn: từ nay đến 2020; 2020 – 2025 và sau 2025. Tổng nhu cầu vốn theo UBND TP Đà Nẵng, vốn dự kiến đầu tư khoảng 135.823 tỷ đồng (chưa bao gồm đầu tư vào hệ thống giao thông tĩnh và cảng hàng không), trong đó dự kiến nguồn vốn thực hiện quy hoạch được tổng hợp từ các nguồn vay ODA, vốn ngân sách, vốn vay thương mại, các hình thức BOT và nguồn xã hội hóa.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Sau khi đề án được HĐND TP thông qua, UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các Sở ngành, các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai các giải pháp trong đề án theo thẩm quyền có hiệu quả.