Trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố Hà Nội, sáng nay HĐND thành phố đã nghe đại diện UBND thành phố Hà Nội đọc tờ trình dự thảo về Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 (gọi tắt: Đề án quản lý phương tiện giao thông).
Tại phần thảo luận, đã có 10 đại biểu tham gia chất vấn. Cùng với góp ý cho đề án hoàn thiện hơn khi triển khai, cả 10 đại biểu đều đồng tình về việc thành phố cần triển khai đề án để quản lý, kiểm soát phương tiện đang gia tăng tự do hiện nay.
Theo các đại biểu, đây là nguyên nhân làm ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường đang ngày càng diễn biến trầm trọng. “70% các vụ tai nạn giao thông hiện nay có liên quan đến xe máy, điều này chứng minh rằng tham gia giao thông bằng phương tiện này đang có rủi ro cao nhất”, đại biểu Nguyễn Tiến Minh nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh phát biểu ý kiến về Đề án quản lý phương tiện giao thông sáng 4/7. Ảnh: T.Đảng
Thay mặt UBDN thành phố Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (cơ quan xây dựng đề án) đã tiếp nhận ý kiến các đại biểu và cho biết, sau khi đề án được HĐND thành phố thông qua, Sở sẽ nghiên cứu cụ thể từng ý kiến góp ý của đại biểu, bổ sung vào đề án cho hoàn thiện hơn.
Sau phần tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo Sở GTVT, với sự có mặt của 96 đại biểu, HĐND thành phố Hà Nội đã “ấn” nút biểu quyết đề án. Kết quả có 95 đại biểu tán thành, 1 đại biểu không tán, tỷ lệ đại biểu tán thành là 91,35% Đề án quản lý phương tiện giao thông được HĐND Hà Nội thông qua.
Đề án quản lý phương tiện giao thông Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 2017 - 2018: triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về phương tiện giao thông. Giai đoạn: 2017 - 2020: Phát triển VTCC theo hướng đa phương thức - đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 50-55% nhu cầu; hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực ùn tắc. Giai đoạn: 2017 - 2030 từng bước thực hiện hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực, đến năm 2030 dừng hoạt động trên địa bàn các quận.