Chống ùn tắc giao thông Hà Nội:

Mấu chốt để 'hóa giải' là quy hoạch, phân bổ dân cư, tăng vận tải công cộng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng với thực hiện các phương án tổ chức giao thông, cải tạo hạ tầng, trao đổi với Tiền Phong về giải pháp giảm ùn tắc giao thông có hiệu quả, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường (ảnh) cho rằng, cần phải có một giải pháp mang tính đột phá, trong đó có việc thực hiện đúng quy hoạch, phân bổ hợp lý dân cư, việc làm, phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), giảm xe cá nhân.
Mấu chốt để 'hóa giải' là quy hoạch, phân bổ dân cư, tăng vận tải công cộng ảnh 1

Xe cá nhân tăng đến 20%, hạ tầng tăng chưa được 1%

Thưa ông, sau khi nhậm chức Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (3/11/2022), gần như việc đầu tiên ông thực hiện là đi thị sát các điểm ùn tắc, đến nay ông có đánh giá thế nào về thực trạng giao thông Hà Nội hiện nay?

Thực tế tại thời điểm tôi chuyển sang làm công tác Đảng, Tổ chức xã hội trong 5 năm vừa qua, tôi làm vốn là “dân” làm giao thông vận tải, nên lần này được Tổ chức phân công giữ chức Giám đốc Sở GTVT Hà Nội là một sự quay trở về. Tuy nhiên, nếu đề cập đến thực trạng giao thông trên địa bàn thành phố hiện nay so với 5 năm về trước thì có nhiều thay đổi, khác biệt.

“Để giải quyết, “hóa giải” được bài toán ùn tắc giao thông hiện nay, mấu chốt phải là rà soát và thực hiện các quy hoạch đã có, cùng với đó có giải pháp phân bổ hợp lý dân cư; việc làm; đầu tư, phát triển VTHKCC; thực hiện các giải pháp giảm xe cá nhân có hiệu quả trên đường”.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường

Đầu tiên là về bối cảnh, sau hai năm ảnh hưởng dịch COVID-19, nhịp sống của Thủ đô và đất nước đang được lại phục hồi mạnh trở lại, các hoạt động, sinh hoạt diễn ra một cách náo nhiệt, gấp gáp hơn, từ đó tình hình đi lại, ùn tắc giao thông cũng nhiều, căng thẳng hơn. Tiếp đến là thực trạng giao thông, đang diễn ra trong trạng thái hạ tầng giao thông, trong đó có đường sá gần như không phát triển thêm nhiều, nhưng ngược lại lượng người và phương tiện hàng năm vẫn tăng khá cao. Cụ thể, chỉ tính riêng phương tiện cá nhân, đến nay thành phố đã có đến 7,7 triệu xe, trong đó ô tô là khoảng 1,1 triệu xe, con số này 5 năm trước khoảng 600 nghìn xe; nguy hiểm hơn hiện tốc độ gia tăng của xe cá nhân mỗi năm là thêm từ 4 đến 5%, riêng ô tô là tăng từ 18 đến 20%. Vậy nhưng, quỹ đất và hạ tầng dành cho giao thông mỗi năm chỉ tăng được gần 1%/năm.

Mấu chốt để 'hóa giải' là quy hoạch, phân bổ dân cư, tăng vận tải công cộng ảnh 2

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (thứ 2 hàng đầu từ trái sang) cùng đoàn khảo sát của TP Hà Nội, trong đó có Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ 4, hàng đầu từ trái sang) thị sát, kiểm tra mặt bằng dự án đường Vành đai 4 tháng 11/2022

Trước thực trạng trên, bằng nhiều giải pháp, trong năm 2022, ngành giao thông thành phố đã giải quyết được 8 điểm ùn tắc trong tổng số 35 điểm còn tồn tại lâu nay. Nếu nhìn ở con số thì đây là một sự cố gắng, đáng được ghi nhận, nhưng thực tế, do nhu cầu đi lại cao, xe cá nhân nhiều nên trong năm qua thành phố cũng ghi nhận thêm 10 điểm ùn tắc phát sinh mới. Như vậy rõ ràng cũng thừa nhận một thực tế, giao thông thành phố cứ gỡ, giải quyết được chỗ này lại tắc chỗ kia.

Giảm tình trạng “thông chỗ này, tắc chỗ kia”

Mấu chốt để 'hóa giải' là quy hoạch, phân bổ dân cư, tăng vận tải công cộng ảnh 3

Cùng với cải thiện hạ tầng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, VTHKCC cũng phải được quan tâm đầu tư, phát triển để giảm xe cá nhân, chống ùn tắc. Ảnh: Như Ý

Đâu là nguyên nhân căn bản của tình trạng ùn tắc tại Hà Nội hiện nay thưa ông?

Theo Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 519), để đảm bảo giao thông vận tải Thủ đô đáp ứng được các yêu cầu: tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt từ 20% - 26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%, tỷ lệ VTHKCC phải đạt được từ 50-55% nhu cầu. Nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên quỹ đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được gần 1%; tỷ lệ VTHKCC đạt được khoảng 17,8%. Trong khi đó hàng năm các phương tiện giao thông cá nhân gia tăng từ 4 - 5%/năm, lưu lượng phương tiện trên nhiều tuyến đường, nút giao thông đang vượt gấp nhiều lần thiết kế mặt đường… Do vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp.

Sau khi chúng tôi khảo sát, thống kê vừa qua cho thấy, nguyên nhân cơ bản của thực trạng ùn tắc là, cùng với lưu lượng xe cá nhân tăng, vào dịp cuối năm hiện nay, trên nhiều tuyến đường cũng là lúc hàng loạt các công trình mang tính trọng điểm của thành phố phải khởi công, sau đó phải rào đường trên diện rộng để triển khai theo tiến độ.

Vành đai 4 sẽ tái cấu trúc lại đô thị, dân cư

Giải pháp được cho là mang tính “đột phá” ở đây là gì, ông có thể giải thích rõ hơn?

Từ thực trạng giao thông, trong đó có các “điểm đen” ùn tắc trên địa bàn thành phố hiện nay, chúng tôi thấy rằng, việc tổ chức, phân luồng trên đường có mang lại hiệu quả, tuy nhiên hiệu quả này chỉ là thời điểm, trong một bối cảnh cụ thể. Khi tình hình đi lại, lưu lượng phương tiện có sự thay đổi đột xuất, các giải pháp này không còn nhiều tác dụng. Do vậy chúng tôi cho rằng, các giải pháp tổ chức, phân luồng trên đường hiện nay chỉ là phần ngọn. Để giải quyết, “hóa giải” được bài toán ùn tắc giao thông hiện nay, mấu chốt phải là rà soát và thực hiện các quy hoạch đã có, cùng với đó có giải pháp phân bổ hợp lý dân cư; việc làm; đầu tư, phát triển VTHKCC; thực hiện các giải pháp giảm xe cá nhân có hiệu quả trên đường.

Cụ thể, phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh, khép kín các tuyến đường vành đai để giảm lưu lượng xe vào nội đô, trong đó có các tuyến đường vành đai đang thi công dở dang lâu nay như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, khởi công triển khai có hiệu quả Vành đai 4. Đầu tư các tuyến trục chính có tính kết nối cao, trong đó có đường Nguyễn Hoàng Tôn; Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam; Đường 70...; các cầu qua sông Hồng, trong đó có cầu Trần Hưng Đạo; cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Mễ Sở... và các cầu qua sông khác để tăng tính kết nối, giảm tải.

Chú trọng, ưu tiên phát triển VTHKCC theo hướng loại hình, số lượng và chất lượng dịch vụ để người dân có thể bỏ xe cá nhân, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Để thực hiện được các vấn đề được xem là mấu chốt này cũng cần một nguồn vốn rất lớn, được đầu tư đúng mức. Thực tế đang cho thấy, do nguồn lực ngân sách còn hạn chế nên nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội hiện nay mỗi năm chỉ được đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Rất vui mừng vừa qua, Quốc hội đã đồng ý cho thành phố Hà Nội trong vai trò “chủ công” việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án trọng điểm quốc gia và có ý nghĩa đặc biệt với Hà Nội và các tỉnh thành liên vùng. Dự án có kế hoạch khởi công vào quý II/2023 và dự kiến hoàn thành dự án thành phần đường cao tốc vào năm 2027. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, thành phố đã đưa ra những chủ trương, cơ chế được xem là đột phá, như việc thẩm định, trả kết quả hồ sơ liên quan đến dự án được yêu cầu thực hiện trong vòng 24 đến 48 giờ. Chúng tôi đánh giá, dự án Vành đai 4 không chỉ mang tính chất là một dự án vành đai phát triển liên vùng, liên tỉnh mà đây còn là dự án giúp thành phố Hà Nội tái cấu trúc lại đô thị, trong đó thành phố sẽ thực hiện có hiệu quả việc giãn, giảm bớt dân cư nội đô ra ngoại thành, tiến tới hình thành các đô thị vệ tinh, thành phố trong thành phố.

Trân trọng cảm ơn Giám đốc Sở GTVT Hà Nội!

MỚI - NÓNG