Theo phản ánh, từ năm 2017 đến nay, người dân ở khu đô thị này luôn nhận thấy nguồn nước được cung cấp có những biểu hiện bất thường như đục, hôi tanh, mùi clo nồng nặc... Cư dân đối thoại nhiều lần với các công ty cung cấp nước nhưng không có biến chuyển gì. Đỉnh điểm là ngày 5/10, hàng loạt cư dân xuất hiện những dấu hiệu nghiêm trọng về sức khỏe như: Nổi mẩn ngứa, phồng rộp da, cay mắt, cay mũi, chảy nước mắt nước mũi, rụng tóc… khi sử dụng nước sinh hoạt. Nhà ai có bể thủy sinh thì các con vật sống trong đó cũng chết. Nước đem đi kiểm nghiệm đều có các chỉ số amoni, clo… gấp hàng chục lần mức cho phép.
Người dân xếp hàng lấy nước ở khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội (Ảnh: Trần Hoàng). |
Một bài báo đăng ngày 20/10 phản ánh rằng, các gia đình phải mua bình 20 lít nước để tắm cho trẻ nhỏ, người lớn tranh thủ dùng nước tại cơ quan, nước vệ sinh phải xuống hồ xách về. Để tiết kiệm nước, người dân nghĩ ra cách lấy nước rửa rau để rửa bát. Sáng tạo tuyệt đỉnh là khi họ dùng màng bọc thực phẩm bọc tất cả bát đũa để ăn cơm xong khỏi phải rửa.
Xem những hình ảnh cả nhà đem đủ thứ vật dụng xuống sân để hứng nước từ xe téc của nhà máy hoặc do mạnh thường quân, người thân viện trợ, thấy đây y như một khủng hoảng nhân đạo. Quy mô hẳn là đáng ngại hơn thời bao cấp, nước ít nhưng còn sạch.
Cùng thời điểm, dân cuối phố Phùng Khoang cùng quận Nam Từ Liêm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ bà 80 tuổi Phạm Viết Xuân Phương được phản ánh trong bài báo hằng ngày vẫn xách xô, vác can sang hàng xóm xin nước. Cụ nói: "3-4 ngày nay tôi không tắm, chỉ lau người. Sống trên đất thủ đô mà mỗi lần dùng nước phải lấy gáo bé tí, múc từng chút một, khổ hơn thời bao cấp". Một số hộ dân ở Phùng Khoang phải đào đường, tìm ống nước sạch, cắt ra, gắn máy bơm vào để hút nước (khéo lại phạm tội phá hoại của công). Có nhà khoan giếng dùng đỡ, chấp nhận nguồn nước ngầm không lấy gì làm sạch sẽ.
Tình trạng nước nhiễm độc là do Trạm cấp nước Thanh Hà không đủ nước mặt để cung cấp nên khai thác nước ngầm tại chỗ bắt đầu từ tháng Sáu. Họ lý giải, do phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của cư dân nên không kịp xử lý sinh hóa. Trạm này lại tọa lạc gần nghĩa trang và một con mương lộ thiên bốc mùi hôi thối, do hứng trọn nguồn nước thải của hàng chục khu xưởng sản xuất vật liệu, nhôm, nhựa, thạch cao, bê-tông…
Trong khi vẫn chưa có biện pháp rốt ráo cứu vãn tình hình thì cơ quan chức năng trấn an rằng, bao giờ hoàn thành và nâng công suất các Nhà máy: Nước Sông Đà; Nước sông Đuống giai đoạn 2, Nước mặt Sông Hồng, Nước Bắc Thăng Long… thì tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thành phố mới được khắc phục.
Ai có thể đảm bảo đến khi đó các nguồn nước “nguyên liệu” còn đủ sạch để sử dụng?! Vậy nên, cần ráo riết và nghiêm túc xây dựng hệ thống xử lý nước thải khắp thành phố và xử nghiêm các cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường.
Cái thời mà Lưu Quang Vũ thốt lên “sao rãnh nước trong veo đến thế” chẳng qua do Hà Nội thưa dân. Ngày nay muốn thấy nước rãnh sạch đủ để cá bơi, chắc phải sang Nhật Bản.