Mập mờ báo cáo về “Biệt thự Pháp”

Đại biểu Trần Trọng Dực đưa ra nhiều tài liệu chứng minh việc khảo sát đánh giá tùy tiện. Ảnh: Minh Tuấn
Đại biểu Trần Trọng Dực đưa ra nhiều tài liệu chứng minh việc khảo sát đánh giá tùy tiện. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Phiên họp HĐND thành phố Hà Nội sáng qua, thực trạng quản lý quỹ nhà biệt thự Pháp đã trở thành tâm điểm thảo luận. 

Nhiều biệt thự bị phá dỡ trái phép

Phát biểu tại HĐND, đại biểu Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho rằng: Ngày 28/12/2013, UBND thành phố có quyết định về quản lý nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 và cùng ngày UBND thành phố có quyết định 7177 loại hơn 312 biệt thự (đang thuộc đối tượng quản lý của Nghị quyết 18 HĐND thành phố) ra khỏi danh mục quản lý theo Nghị quyết 18 như vậy là trái thẩm quyền, thiếu tôn trọng một nghị quyết của HĐND thành phố (TP). 

Cũng theo ông Trần Trọng Dực, UBND TP đã giao cho các sở ngành chức năng lập các tổ công tác đi khảo sát lại toàn bộ quỹ nhà biệt thự trên địa bàn tuy nhiên những người thực thi nhiệm vụ lại làm rất tùy tiện, gây mất niềm tin của đại biểu vào kết quả khảo sát. 

“Nếu HĐND thành phố quyết đáp không đúng, làm tùy tiện thì tài sản của nhà nước sẽ rơi vào túi tư nhân, phá vỡ cảnh quan của tuyến phố, quy hoạch kiến trúc của Thủ đô”. 

Đại biểu Trần Trọng Dực

Điển hình như: Trong 15 biệt thự mà UBND TP báo cáo với HĐND TP kỳ này đã bị biến dạng hoàn toàn và loại ra khỏi danh sách biệt thự quản lý thì thực tế là vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó. Đó là biệt thự 52 Ngũ Xã; biệt thự số 102 Hoàng Hoa Thám (nay là 333 Hoàng Hoa Thám), biệt thự số 38 Hoàng Hoa Thám.

Mập mờ báo cáo về “Biệt thự Pháp” ảnh 1 Đại biểu Trần Trọng Dực đề nghị làm rõ việc cấp phép xây dựng cho nhà cao tầng tại 74 Thợ Nhuộm. Ảnh: Minh Tuấn

Ông Dực còn đưa ra trước HĐND TP một số biên bản, tài liệu chứng minh đoàn khảo sát đánh giá chưa làm hết nhiệm vụ. Ví dụ như biên bản kiểm tra đánh giá hiện trạng nhà biệt thự thiếu nhiều nội dung quan trọng, nhiều đề mục bỏ trống.

Ông Trần Trọng Dực cho biết, biệt thự 74 Thợ Nhuộm thực chất đã phá dỡ năm 2011 vậy tại sao lại nói là phá dỡ trước Nghị quyết 18/2008 được? Tại sao biệt thự 74 Thợ Nhuộm đã phá dỡ và lại được cấp phép xây dựng xong 7 tầng? “Tôi xin hỏi là ai cho phép cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền cấp phép tại đây?”. 

Biệt thự 84 Thợ Nhuộm có giấy phép xây dựng năm 2013 mà UBND thành phố lại đưa vào danh mục phá dỡ trước khi có Nghị quyết 18? Biệt thự 28A Trần Hưng Đạo có giấy phép xây dựng năm 2005 là trước khi có Nghị quyết 18 nhưng lại được điều chỉnh giấy phép năm 2009! Báo cáo của UBND thành phố cũng cho biết, đã có tình trạng phá dỡ trái phép biệt thự Pháp trên một số tuyến phố.

Sớm thanh tra, làm rõ

Trước nhiều ý kiến khác nhau về quản lý biệt thự, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP) đề nghị UBND thành phố giao cho thanh tra làm rõ thực trạng quản lý biệt thự theo Nghị quyết 18 của HĐND thành phố. “Chúng ta rà soát 5 năm rồi, nếu cứ rà soát mãi thì có khi mất hết”, ông Nam nói. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định: Có những nội dung cần được xem xét sửa đổi. “Đúng là về số liệu có sự phức tạp. UBND thành phố xin nhận trách nhiệm có vấn đề về số liệu. Ví dụ 1 nhà biệt thự hai mặt phố nhưng lại ghi cả 2 số nhà. Có những biệt thự đã phá đi rồi nhưng vẫn đưa vào để tính”, ông Khanh giải thích. Ông Vũ Hồng Khanh cũng cho biết sẽ xem xét chỉ đạo thanh tra làm rõ những trường hợp cụ thể mà đại biểu Trần Trọng Dực đã nêu.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, quản lý quỹ nhà biệt thự Pháp là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp nhiều mặt cả về quy định và thực tiễn. Trước những ý kiến chưa đồng thuận của nhiều đại biểu HĐND, ông Thảo đề nghị HĐND thành phố chưa thông qua nội dung về quản lý nhà biệt thự tại kỳ họp này để chuẩn bị tốt hơn, đảm bảo tính thống nhất.

MỚI - NÓNG