Sống khổ trong biệt thự cổ

Ngôi biệt thự số 8, Tăng Bạt Hổ, có hàng chục hộ cùng sinh sống - Ảnh: Ngọc Thắng
Ngôi biệt thự số 8, Tăng Bạt Hổ, có hàng chục hộ cùng sinh sống - Ảnh: Ngọc Thắng
Tiếng là sống trong biệt thự giữa Thủ đô, nhưng nhiều hộ dân ở trong các tòa nhà cũ này đang phải chịu cảnh nhếch nhác, khổ sở không khác gì ở những khu ổ chuột.

Theo đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội (QH-KT), thành phố còn khoảng 200 ngôi biệt thự cổ, kiến trúc Pháp đang rơi vào tình trạng xuống cấp, cũ nát.

Sở QH-KT đã dựa vào chất lượng và công năng sử dụng để phân biệt thự kiến trúc Pháp thành 4 loại. Các ngôi biệt thự kể trên bị xếp vào hạng biệt thự nguy hại nghiêm trọng hoặc biến dạng hoàn toàn về kiến trúc.

Đồng thời, nhiều giải pháp được nêu ra nhưng đến nay, tình trạng biệt thự cổ kiến trúc Pháp xuống cấp vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề khó nhất là tìm giải pháp bố trí chỗ ở mới cho người dân đang sống tại đây.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 7/2013, TP.Hà Nội đã ra nghị quyết về phương án hỗ trợ chỗ ở cho người dân trong 4 quận nội thành cũ. Trong đó, các đối tượng chính sách được ưu tiên mua nhà ở xã hội tại các dự án trong thành phố.

Cụ thể, đối với trường hợp những người dân đang ở trong các khu biệt thự đã xuống cấp sẽ phải di dời để cải tạo, sửa chữa biệt thự. Dù vậy, đến nay tình trạng sống khổ sở ở nhiều biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp ở Hà Nội vẫn chưa được cải thiện.

“Chúng tôi có nghe về các giải pháp hỗ trợ chỗ ở cho người dân sống trong nhà biệt thự cũ kiểu Pháp di dời. Tuy nhiên, đa phần chúng tôi đều là cán bộ hưu trí, không dư dả để có thể tự thay đổi chỗ ở. Phần khác, cũng có bộ phận người dân đã sống quen ở đây nên không muốn chuyển đi. Trong các giải pháp di dời, tái định cư cho người dân chúng tôi, đều thấy rất ít đề cập chuyện đến nơi ở mới thì sinh kế mới như thế nào”, ông Nguyễn Văn Trung, một cư dân sống tại một biệt thự trên phố Lý Thái Tổ (Hà Nội) lo lắng.

Không chỉ bế tắc trong sinh kế, đa số người dân được hỏi đều băn khoăn về chất lượng nơi ở mới là các nhà tái định cư. “Nếu nhà mới mà chất lượng giống các khu nhà tái định cư như Trung Hòa - Nhân Chính thì tôi chả tha thiết. Người dân sống khổ cực tại các khu chật chội dột nát được chuyển đến, sau vài năm, lại bị quay trở lại nhà dột nát. Mà đến nay, ít thấy ở Hà Nội có khu nhà tái định cư nào chất lượng đảm bảo”, ông Trung nói.

Hiện UBND TP.Hà Nội đang giao các sở, ngành chức năng rà soát lại toàn bộ các nhà biệt thự cổ kiến trúc Pháp có người dân ở để có phương án xử lý. Tuy nhiên, thông tin từ UBND TP cũng cho biết, khó nhất vẫn là phương án di dời người dân sao cho nhận được sự đồng thuận cao, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Theo Lê Quân

Theo Báo Thanh Niên
MỚI - NÓNG