Mang F-35 đến triển lãm, Mỹ muốn kéo Ấn Độ khỏi vòng tay Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tuần này, Mỹ lần đầu đưa F-35, máy bay chiến đấu hiện đại nhất, đến trưng bày tại triển lãm hàng không ở Ấn Độ, cùng các mẫu F-16, Super Hornet và máy bay ném bom B-1B, trong bối cảnh Washington đang cố gắng lôi kéo New Delhi khỏi vòng tay Nga.
Mang F-35 đến triển lãm, Mỹ muốn kéo Ấn Độ khỏi vòng tay Nga ảnh 1

Một chiếc F-35 của Mỹ tham gia Aero India 2023. (Ảnh: Reuters)

Trong nỗ lực hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu phần lớn từ thời Liên Xô, Ấn Độ có vẻ đang lo ngại về nguồn cung từ Nga, do cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine và sức ép từ phương Tây.

Theo giới quan sát, phái đoàn Mỹ đến dự triển lãm hàng không Aero India tại Bengaluru cho thấy quan hệ chiến lược ngày càng gần gũi giữa Mỹ và Ấn Độ.

Trong khi đó, Nga – nhà cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Ấn Độ kể từ thời Liên Xô – vẫn giữ mức hiện diện bình thường tại cuộc triển lãm lớn nhất trong 27 năm qua của Ấn Độ.

Hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport có gian hàng chung với United Aircraft và Almaz-Antey, trưng bày các mẫu máy bay quân sự, xe tăng, radar và xe tăng thu nhỏ.

Trong những cuộc triển lãm trước, Rosoboronexport có gian hàng trung tâm lớn hơn, nhưng Nga chưa từng đưa máy bay chiến đấu đến Bengaluru trong thập kỷ qua, sau khi Ấn Độ cân nhắc mua máy bay chiến đấu của châu Âu và Mỹ.

F/A-18 Super Hornet của Boeing đang tham gia cuộc đua để cung cấp máy bay chiến đấu cho tàu sân bay thứ hai của Hải quân Ấn Độ, cùng với F-21 của Lockheed Martin, một phiên bản nâng cấp của F-16 được ra mắt tại Aero India năm 2019.

Đề xuất chi 20 tỷ USD từ ngân sách Ấn Độ để mua 114 máy bay chiến đấu đa nhiệm đã bị treo suốt 5 năm, trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan trở nên căng thẳng.

Theo nguồn tin từ Không quân Ấn Độ, nước này chưa cân nhắc mua F-35 vào thời điểm này, nhưng việc trưng bày 2 chiếc F-35 lần đầu tiên tại Aero India là dấu hiệu thể hiện New Delhi ngày càng quan trọng về chiến lược đối với Washington.

Ông Angad Singh, một nhà phân tích quốc phòng độc lập ở Ấn Độ, cho rằng đây không phải nỗ lực để bán hàng, nhưng là tín hiệu thể hiện tầm quan trọng của quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mỹ chọn quốc gia mà họ cho phép mua F-35. Khi được hỏi rằng máy bay này có được đề xuất bán cho Ấn Độ, Chuẩn đô đốc Michael L. Baker, tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở Ấn Độ, cho biết New Delhi vẫn ở “giai đoạn rất sớm” của việc cân nhắc mua dòng máy bay này.

Trước khi triển lãm diễn ra, báo chí Nga đưa tin Mátxcơva đã cung cấp cho New Delhi số vũ khí trị giá khoảng 13 tỷ USD trong 5 năm qua, và đã nhận đặt hàng 10 tỷ USD nữa.

Trong khi đó, Mỹ chấp thuận bán số vũ khí trị giá hơn 6 tỷ USD cho Ấn Độ trong 6 năm qua, bao gồm máy bay vận tải, trực thăng Apache, Chinook, và MH-60, các hệ thống phòng không, tên lửa, pháo hải quân, và máy bay tuần tra biển P-8I Poseidon.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đang muốn đẩy mạnh mảng sản xuất vũ khí nội địa bằng cách hợp tác với các tập đoàn lớn của thế giới, vừa để phục vụ nhu cầu của mình vừa để xuất khẩu.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG