Lý do khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm

TPO - Trong tháng 9 vừa qua tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,27 triệu lượt, giảm gần 12% so với tháng 8. Nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân của sự sụt giảm này.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,27 triệu lượt. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng số khách quốc tế đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn con số 12,6 triệu lượt cả năm 2023.

Tuy nhiên, so với tháng 8, lượng khách quốc tế tháng 9 giảm đến 11,9%. Cụ thể trong tháng 8, Việt Nam đón 1,43 triệu lượt khách quốc tế và tháng 9 chỉ đón 1,27 triệu lượt.

Lý do khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm ảnh 1

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm trong tháng 9.

Nhiều chuyên gia du lịch khẳng định, đây không phải tình trạng đáng lo, bởi tháng 9 thuộc mùa thấp điểm đón khách quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hiên - Giám đốc điều hành BestPrice Travel quốc tế - cho biết, theo số liệu 2 năm gần đây, tháng 9 luôn là tháng thấp điểm đón du khách quốc tế.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với 3,3 triệu lượt (chiếm 26,5%). Vị trí thứ hai là Trung Quốc gửi 2,7 triệu lượt khách (chiếm 21,3%). Các vị trí tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật...

“Thông thường lượng khách quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng cao vào 3 tháng cuối năm. Vì vậy, sự sụt giảm của tháng 9 không quá đáng lo ngại”, bà Hiên nhận định.

Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và lũ lụt, các đơn vị dịch vụ du lịch như khách sạn, tàu thuyền, nhà hàng… cần có sự chỉnh trang, sửa chữa để chuẩn bị cho mùa cao điểm sắp tới.

Lý do khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm ảnh 2Lý do khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm ảnh 3Lý do khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm ảnh 4

Du lịch Việt thiệt hại lớn sau cơn bão số 3.

“Vào tháng 9 các nước châu Âu, Đông Bắc Á… đã qua mùa du lịch hè nên du khách sẽ không chọn du lịch xa. Vì vậy, cao điểm sẽ rơi vào 3 tháng cuối năm khi các thị trường du lịch xa và dài ngày như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... có kỳ nghỉ lễ dài”, bà Nguyễn Thị Hiên nêu.

Chuyên gia du lịch Hoàng Nhân Chính nhận định, sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của tính mùa vụ trong du lịch.

"Mùa đón khách du lịch quốc tế bắt đầu cao điểm từ tháng 10-12, cao điểm đón khách trong nước là tháng 5-8. Vì vậy tháng 9 là thời điểm chuyển giao giữa mùa du lịch nội địa sang mùa du lịch quốc tế. Lúc này, lượng khách du lịch nội địa giảm và lượng khách quốc tế chưa tăng cao", ông Hoàng Nhân Chính nêu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đối mặt với lạm phát, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến chi tiêu của khách quốc tế và ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch.

Lý do khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm ảnh 5

Lượng khách quốc tế sẽ tăng trở lại khi bước vào mùa cao điểm (ảnh: Toquoc.vn).

Sự sụt giảm lượng khách quốc tế cũng là lời cảnh báo nhẹ để ngành du lịch có sự chuẩn bị kỹ càng cho mùa cao điểm.

"Có thể nói du lịch quốc tế đã hồi phục hoàn toàn so với trước dịch và tháng 9 chỉ là thời điểm chuyển giao. Điều đáng quan tâm là làm sao để chuẩn bị một chiến lược phù hợp nhằm khai thác tốt hơn nữa, hấp dẫn ngày càng nhiều du khách quốc tế", ông Hoàng Nhân Chính cho biết.

Bất chấp sự sụt giảm lượng khách trong tháng 9, tổng thể thị trường du lịch quốc tế có sự phục hồi tốt. Du lịch Việt Nam tăng trưởng đạt mốc kỷ lục năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh nguyên nhân của việc sụt giảm lượng khách là do ảnh hưởng của siêu bão Yagi đổ bộ miền Bắc. Cơn bão gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch ở nhiều điểm du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Tuyên Quang…

Bên cạnh đó, hoàn lưu sau bão cũng gây ra lũ lụt kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông, làm gián đoạn hoạt động đi lại, du lịch. Nhiều khách đặt tour, đặt phòng và dịch vụ liên quan nhưng phải hủy do ảnh hưởng của bão.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.