Lý do Bình Dương tạm dừng mô hình bí thư kiêm chủ tịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, quá trình thử nghiệm áp dụng mô hình bí thư kiêm chủ tịch đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo, xử lý công việc.

Thông tin từ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương ngày 6/7 cho biết Ban Chấp hành Đảng bộ đã họp và thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các chế độ chính sách trong thời gian tới. Bình Dương dự kiến áp dụng trong quý III/2023 sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành.​

Theo Nghị quyết này, Bình Dương dừng thực hiện kiêm nhiệm các chức danh ở cấp huyện: Bí thư kiêm Chủ tịch UBND; Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra; Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ.

Trường hợp đặc biệt, nơi nào có khó khăn về nhân sự phải bố trí Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ thì Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Đối với cấp xã, dừng thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND; Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Phó chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cấp xã. Phân công 1 công chức cấp xã thực hiện công việc của thư ký Đảng ủy.

Ngày 6/7, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương giải thích rõ các lý do địa phương đi đến quyết định dừng thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch.

Lý do Bình Dương tạm dừng mô hình bí thư kiêm chủ tịch ảnh 1

Tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính tại văn phòng một cửa ở Bình Dương

Theo đó, tỉnh Bình Dương đã thực hiện thí điểm mô hình bí thư kiêm chủ tịch cấp huyện, cấp xã (cấp huyện: 1, cấp xã: 15) theo tinh thần Nghị quyết số 18 – NQ/TW. Vừa qua, Hội nghị “Tổng kết Đề án 711 và định hướng hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương trong thời gian tới” đã nhận được rất nhiều ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương và ý kiến của các cán bộ đang thực hiện kiêm nhiệm chức danh về những khó khăn khi thực hiện mô hình kiêm nhiệm.

Quyết định số 711-QĐ/TU, ngày 11/5/2018 “phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII” (gọi tắt là Đề án 711).

Thứ nhất, việc thực hiện thí điểm kiêm nhiệm có nơi chưa phù hợp, tình hình thực tế ở cơ sở gây áp lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý được phân công kiêm nhiệm, trong khi biên chế giảm, khối lượng công việc ngày càng tăng theo tốc độ phát triển chung của tỉnh.

Thứ hai, hệ thống văn bản cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước chậm được ban hành, bổ sung, sửa đổi, thiếu sự đồng bộ trong thể chế; khối lượng công việc lớn tập trung vào người đứng đầu gây áp lực về trách nhiệm, thời gian; bên cạnh đó chưa có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ thực hiện kiêm nhiệm chức danh.

Thứ ba, khi thực hiện kiêm nhiệm một chức danh lãnh đạo cán bộ kiêm nhiệm phải lãnh đạo, chỉ đạo ở hai nơi do đó dễ bị thiếu sót và sai trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát do đặc điểm tình hình các địa phương trong tỉnh dân số đông và khối lượng công việc nhiều.

Qua xem xét, đánh giá và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời để đảm bảo yêu cầu công tác cán bộ, chuẩn bị lộ trình nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương định hướng cho cấp huyện và cấp xã tạm dừng việc thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân.

Tuy nhiên, đối với cấp xã giao Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét về nhân sự, tình hình của địa phương khi đảm bảo các điều kiện thì chủ động xem xét, quyết định việc thực hiện kiêm nhiệm trong giai đoạn tiếp theo.

MỚI - NÓNG