Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, dự thảo luật quy định vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.
Dự luật không quy định cụ thể tên gọi, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và chỉ quy định có tính nguyên tắc. “Tên gọi và số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vẫn do Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình. Như thế sẽ bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thay mặt Ban soạn thảo, cho hay.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, dự luật cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các thành viên Chính phủ. “Đồng thời cũng nên cân nhắc xem xét có quy định về lấy phiếu tín nhiệm, về từ chức trong luật này hay không? Báo chí nêu nhiều vấn đề này rồi, bây giờ thực hiện đổi mới chúng ta có dám ghi không. Tôi thấy, luật quy định về quyền hạn của Chính phủ, thành viên Chính phủ khá rõ, nhưng trách nhiệm thì từ Thủ tướng đến bộ trưởng đều không rõ, nên quy định về trách nhiệm rõ hơn” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Không rõ ai quản tập đoàn?
Tại dự thảo, Chính phủ đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước (như Luật tổ chức Chính phủ năm 2001). Chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ do Chính phủ thực hiện. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định và phân công việc thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan ngang bộ.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển băn khoăn, phải làm rõ nếu quy định như vậy thì Chính phủ có phải là chủ sở hữu phần vốn đó hay không? Và khi thành lập các tập đoàn, ai sẽ giúp Chính phủ thẩm định.