Lộn xộn xe khách trá hình - kỳ cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân của tình trạng hoạt động xe khách trá hình bùng phát như hiện nay là do nhiều địa phương, đặc biệt là Sở GTVT chưa vào cuộc quyết liệt. Trong khi đó, đại diện Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải Ô tô cho rằng, nguyên nhân là có quá nhiều kẽ hở trong quy định pháp luật…

Quy định quá dễ bị “bẻ gãy”

Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3.780 trường hợp. Trong đó, chỉ riêng xe khách tuyến cố định và xe hợp đồng có đến 3.188 trường hợp. Tuy nhiên, ông Hiệp thừa nhận, vấn nạn xe dù, bến cóc và xe hợp đồng trá hình vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Hiệp cho biết, hiện nay, quy định đối với xe khách chạy tuyến cố định rất chặt chẽ nên gần như không có vi phạm. Trong khi đó, theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP (Quy định về kinh doanh và điều kiện vận tải), xe hợp đồng chỉ cần có hợp đồng, danh sách hành khách là có thể hoạt động trên đường. “Khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, nhà xe vẫn có đầy đủ giấy tờ. Dù chúng tôi biết đó có thể là hợp đồng được lập sau khi xe chạy, hợp đồng gom khách nhưng không thể xử lý được”, ông Hiệp nói.

Về hành trình, xe khách tuyến cố định phải tuân thủ theo lộ trình bến xe đi và bến xe đến nên việc quản lý của cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn. Trong khi đó, xe hợp đồng chỉ được quy định điểm đầu, điểm cuối là tuyến phố (tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị… nên các nhà xe lách luật bằng cách thay đổi hành trình. Cụ thể, khi gần đến điểm cuối, các xe hợp đồng trá hình này di chuyển đến nhiều văn phòng khác nhau được lập tại một địa phương. Vì vậy, cơ quan chức năng hầu như không thể kiểm soát được.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước nên có những cơ chế chính sách quản lý hiệu quả hơn. Ví dụ, với những đơn vị chấp hành nghiêm, thì phù hiệu cấp cho họ với thời gian dài, những đơn vị không chấp hành, cấp phù hiệu với thời gian ngắn hơn. Chúng tôi cũng đề nghị cơ chế cấp phù hiệu theo luồng xanh, vàng, đỏ… để phân loại các nhà xe với mức độ chấp hành khác nhau. Dựa vào đó, công tác thanh, kiểm tra cần xây dựng kế hoạch tập trung vào những đơn vị thường xuyên xảy ra vi phạm” Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Trước nạn xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Hiệp cho biết, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ chỉ đạo các Đội Thanh tra GTVT tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an Thành phố, UBND và Công an các quận huyện, thị xã để rà soát, thống kê, tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm theo địa bàn được giao quản lý. Trước hết, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tập trung xử lý xung quanh bến xe, tuyến quốc lộ qua địa bàn Thủ đô, các tuyến trọng điểm và địa bàn phức tạp…

Số hóa nửa vời

Một giải pháp được coi là hữu hiệu nhất để xử lý xe trá hình là sử dụng dữ liệu giám sát hành trình. Hiện tại, Thanh tra Sở GTVT và Phòng Quản lý vận tải của Sở GTVT Hà Nội cùng có tài khoản để khai thác hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, đại diện của cả hai đơn vị này đều cho biết, dữ liệu đã có nhưng chưa có phần mềm để trích xuất, phát hiện và xử lý xe vi phạm. Câu trả lời tương tự cũng được đại diện Cục Đường bộ, Bộ GTVT đưa ra.

Lộn xộn xe khách trá hình - kỳ cuối: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1

Một trạm trung chuyển khách của nhà xe Hoàng Công chuyên chạy trá hình trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh

Ngoài ra, theo các cán bộ này, hiện nay, giả sử có trích xuất được dữ liệu hành trình cũng không thể xử lý được, vì các nhà xe lách luật bằng cách lập nhiều văn phòng làm điểm đón trả khách để thay đổi hành trình. Một đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay: “Việc quản lý giám sát, quy định về điểm đầu và điểm cuối với xe trá hình tuyến cố định phải có công cụ để phân tích. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Nghị định Quản lý vận tải ở nội dung xác định điểm đầu, cuối đối với xe hợp đồng, trá hình. Có thể, không quy định điểm đầu điểm cuối là một tuyến phố, một số nhà mà có thể xem xét quy định hai đầu xuất bến là cả thành phố”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng thừa nhận nhiều hội viên của Hiệp hội này chạy xe trá hình. Tuy nhiên, trong thẩm quyền, Hiệp hội chỉ nhắc nhở, tuyên truyền, yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Hiện tại, Hiệp hội cũng không có dữ liệu để xác định vi phạm để tuyên truyền chính xác cho hội viên.

Ông Quyền cũng cho rằng, việc quản lý điểm đầu, cuối với xe hợp đồng, du lịch trên một tuyến phố (tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị như hiện nay không hiệu quả. Thứ nhất, mỗi chiếc xe chỉ cần xê dịch đi vài trăm mét là coi như đã không còn vi phạm. Thứ hai, một doanh nghiệp có đến vài chục xe, có thể luân chuyển để lách luật. “Ví dụ, trong một tuần, những ngày đầu, nhóm xe này sẽ chạy ở tuyến phố này, khoảng vài ngày cuối tuần lại đổi cho xe khác. Như vậy, chỉ làm đơn giản như vậy họ đã vô hiệu hóa quy định quản lý”, ông Quyền nói.


MỚI - NÓNG