Lộn xộn xe khách trá hình - Kỳ 2: Những chiêu lách luật công khai

TP - Để hô biến một chuyến xe chuyên chạy tuyến cố định thành xe hợp đồng, các nhà xe sẽ lấy tên, số điện thoại của từng khách lẻ lên xe để lập danh sách, ký hợp đồng. Ngoài ra, việc các nhà xe liên tục cho xe thay đổi lộ trình, lập nhiều văn phòng để hợp thức hóa. Thậm chí, có xe kinh doanh vận tải tuyến cố định dưới vỏ bọc của xe cá nhân, xe gia đình…
Lộn xộn xe khách trá hình - Kỳ 2: Những chiêu lách luật công khai ảnh 1
Văn phòng nhà xe Quỳnh Thanh tấp nập xe ra vào, trung chuyển khách.

Kinh doanh vận tải bằng xe biển trắng

Gần đây, các tuyến phố Hà Nội xuất hiện hàng loạt xe loại 7 chỗ ngồi chuyên tuyến Hà Nội - Bắc Giang mang tên Hoa Hướng Dương. Hãng xe này có tần suất hoạt động dày đặc, 30 phút/chuyến, suốt từ 6h30’ đến 19h. Chúng tôi liên hệ qua số điện thoại theo quảng cáo và được nhân viên hỗ trợ đặt vé khởi hành lúc 14h30’ tại văn phòng của nhà xe này ở 108A Yên Phụ (quận Ba Đình, Hà Nội).

Đúng giờ hẹn, người đàn ông trong phòng vé hướng dẫn tôi và một hành khách khác lên chiếc xe 7 chỗ, hiệu Mitsubishi, BKS 98A-587XX đang đỗ ở cửa. Nếu không có dòng chữ được dán ở kính sau và bên hông, với nội dung “Hoa Hướng Dương”, “Bắc Giang- Hà Nội’”, chúng tôi khó có thể nhận ra đây là xe chạy với mục đích thương mại. Tuy nhiên, chiếc xe này và toàn bộ các xe của hãng này mà chúng tôi thấy đều mang biển kiểm soát màu trắng. Xe của hãng này cũng không có phù hiệu đăng ký kinh doanh vận tải hành khách.

Trên xe, ngoài tài xế, phụ xe có tôi và một vị khách nữa. Vì chưa đủ khách, chiếc xe len lỏi vào trong phố, vào gần bệnh viện Việt Đức và xuống tận đường Minh Khai (gần Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để đón thêm 4 người nữa rồi mới rời Hà Nội. Khi đi trên đường cao tốc Hà Nội- Bắc Giang, chiếc xe này còn tạt vào bên đường giao hàng cho khách đứng chờ sẵn. Khi khách chuẩn bị xuống xe, phụ xe mới thu 120 nghìn đồng/người. Phụ xe không xuất vé, mà thu tiền mặt hoặc chuyển khoản bằng cách quét mã QR dán cố định trên xe.

Liên quan đến xe Hoa Hướng Dương kinh doanh vận tải bằng xe biển trắng, lãnh đạo Cục Thuế và Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết, công ty này không đăng ký kinh doanh vận tải; hai cơ quan này sẽ kiểm tra về hoạt động vận tải việc chấp hành pháp luật về thuế của nhà xe này.

Chuyển xe, đổi bến

Trên hành trình từ Bắc Giang về lại Hà Nội, phóng viên tiếp tục tìm kiếm trên mạng internet được một nhà xe trá hình khác. Cũng quảng cáo rầm rộ, nhà xe Quỳnh Thanh Vip Limo chuyên tuyến Hà Nội đi Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương và ngược lại. Hãng xe này chạy xuyên suốt từ 4 giờ đến 20 giờ, với tần suất 1 tiếng/chuyến. Nhấc máy gọi đến số điện thoại của nhà xe, chừng 20 phút sau, chiếc xe BKS 29B-12XXX đã có mặt đón tôi tại Quảng trường 3/2 của Thành phố Bắc Giang. Sau khi đón vị khách cuối cùng lên xe, tài xế bắt đầu dừng xe để thu 150 nghìn đồng/người. Mặc dù xe được đăng ký hình thức hoạt động “xe hợp đồng”, nhưng chỉ cần khách có nhu cầu, nhà xe sẵn sàng xuất vé cho khách.

Chừng hơn 1 tiếng sau, xe có mặt tại địa phận Hà Nội, bất ngờ rẽ vào ngõ 68, Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên, Hà Nội). Đây là địa chỉ văn phòng, cũng là nơi tập kết của nhà xe này. “Anh chị xuống đây, lát sẽ có xe trung chuyển đưa mọi người vào nội thành”, tài xế nói. Chỉ trong 10 phút, gần chục chiếc xe đến đây và hàng chục khách xuống chờ xe trung chuyển. Khung cảnh tấp nập, đông đúc gần như một bến xe mới được thành lập. Tài xế đọc to từng địa chỉ mà xe trung chuyển sẽ đến để khách lên xe.

Theo quy định, đối với mỗi xe hợp đồng, điểm đầu và điểm cuối không được trùng lặp quá 30% tổng số chuyến/tháng. Với chiêu gom khách, chuyển xe, dừng đỗ tại nhiều địa điểm, văn phòng khác nhau như vậy, xe sẽ tránh được vi phạm. Chiếc xe đón tôi tại điểm trung chuyển này là xe 7 chỗ, hiệu Mitsubishi. Trên xe, nhiều khách phàn nàn, vì xe đi lòng vòng trong nội thành Hà Nội đến cả tiếng đồng hồ để trả khách rồi mới đến lượt mình.

Tương tự, chúng tôi thử nghiệm đi xe 16 chỗ của nhà xe Hoàng Công, chuyên tuyến Hà Nội- Quảng Ninh, chạy liên tục từ 3 giờ đến 20 giờ hằng ngày, với tần suất 30 phút/chuyến. Nhà xe này có điểm trung chuyển tại Quảng Yên (Quảng Ninh). Khi đến đây, nhà xe này cũng điều chuyển khách sang các xe khác nhau. Ngay khi vừa lên xe, lái xe hỏi tên, địa chỉ hành khách rồi cặm cụi ghi vào tệp giấy được để ngay cạnh nơi tài xế ngồi. Với giá đi từ Hà Nội đến Hạ Long là 180 nghìn đồng/người, được lái xe thu tiền mặt hoặc nhận chuyển khoản. Vì xe không có phụ nên công việc ghi chép, liên hệ với khách hàng, thu tiền vé đều do lái xe làm. Công việc bận nên suốt quãng thời gian di chuyển, lái xe liên tục phải dùng điện thoại.

(Còn nữa)

Tin liên quan