Người ta thì thầm với nhau rằng ở trên cành cây con chim đang đậu có ẩn giấu chữ thần nhân. Rồi lại đồn đại rằng trên bao thuốc lá Tam Thanh, Nhị Thanh có ẩn hình một ông già trông giống một vị nào đó. Đấy là kiểu suy diễn quy kết một thời có thể làm nhiều người đau tim và chẳng rõ người thiết kế có bị xử lý gì không. Bây giờ thì hình ảnh kiểu này người ta còn chủ ý tạo ảo giác để gây hấp dẫn. Tôi có một bộ sưu tập, trong mỗi bức tranh có thể thấy ít nhất hai hình ảnh khác nhau. Ở một bức tranh đen trắng, phần đen chỉ thấy một đôi trai gái đứng bên hồ um tùm cây lá, phần trắng lại là một đứa bé đang nằm co trong tư thế bào thai.
Đấy là mỹ thuật, thuộc nghệ thuật thị giác, còn văn chương nghệ thuật ngôn từ mới càng nhiều ý tứ xa rộng, rất nhiều khi được tiếp nhận xa hẳn chủ đích của tác giả. Khởi thủy là lời. Có thể thấy thêm chung cuộc cũng là lời. Lời ít ý nhiều ấy là mục tiêu cao nhất của người viết. Nhưng ý nhiều rất lắm khi gây ra rắc rối ngộ nhận. Miêu tả một chàng sinh viên thời xưa, người ta nói: bạch diện thư sinh. Anh học trò đọc sách nhiều, mưa không tới mặt nắng không tới đầu cho nên mặt trắng da trắng. Chú học trò mặt trắng. Nhưng mà bẻ cong đi thì miêu tả kẻ sĩ như thế khác nào bảo người ta trắng mặt ăn tiền, mặt trơ trán bóng, ăn trắng mặc trơn. Hiểu là khen thì bảo là khen, hiểu là chê thì cũng là chê vậy.
Khởi thủy là lời. Lời ở xứ nào cũng có động từ “nằm”. Nhưng “nằm” trong tiếng Việt có những cách dùng riêng. Ăn nằm thì không phải là ăn, nhưng chắc chắn là nằm. Anh chị ăn nằm với nhau tức là chuyện giường chiếu. Chuyện khác, có tác giả kể chuyện chàng lần đầu xao xuyến trước nàng, trong khung cảnh lãng mạn, nàng ngây thơ trong trắng, “ở trường có một số sinh viên ưu tú, nàng nằm trong số sinh viên ấy”. Đến thế thì thôi, đang hồn nhiên trong trẻo mà cô nàng lăn vào nằm ngay giữa đám sinh viên được. Phải cảnh giác với chữ nằm của tiếng Việt. Cô nàng thuộc số những sinh viên ưu tú, ý tứ của tác giả là thế, nhưng chữ nằm có thể khiến người đọc sững lại, vụt nảy ra một tiếng cười giễu cợt, lập tức biến mất cái không khí lãng mạn mà tác giả muốn tạo dựng.
Cũng thuộc diện câu chữ vô ý như thế và gặp thời quy chụp thì phải trả giá nếu viết rằng ông bộ trưởng nằm trong số những người đi kiểm tra công tác phòng chống bão lụt. Ông nằm thì còn kiểm tra được cái gì. Hay là lại giống kiểu ông quan hộ đê thời Pháp thuộc trong Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn. Nếu không hiểu sai như vậy thì chữ nằm cũng không nhã trong một câu văn hành chính, cũng như không hề nhã trong khung cảnh chàng nàng kể trên.
Kể ra cái người chỉ có mỗi việc ngồi mà soi từng chữ để suy diễn quy chụp, cái người ấy cũng là một kiểu lẩm cẩm. Hãy cứ nghe những lời bài hát véo von kia, nghe quen tai rồi thì hay, nhưng muốn bẻ cong thật dễ. Lời một bài hát: Em không nói da anh màu đen, mà em nói da anh đầy ánh nắng. Khéo nói, nói cầu kỳ, hay là xỏ xiên kiểu thảo mai đối với anh?
Còn nữa, một câu hát mà nhiều thế hệ từng nghe:
Ai lướt đi ngoài
sương gió
Cố tình ngắt câu theo kiểu này có thể dẫn đến một sự suy diễn chệch khỏi văn bản. Trong ấy có chữ “đi ngoài”, có chữ “sương gió” tức là xác định địa điểm ở ngoài trời, không phải trong nhà vệ sinh, thời tiết lại sương sa gió thổi độc hại, “lướt đi” tức là rất vội, rất cuống. Tóm lại câu này miêu tả việc đi đồng ban đêm. Phải không nhỉ, cái sự thích thế nào giải thế ấy của từ ngữ?