Ánh Tuyết cùng các nghệ sĩ tại đêm nhạc Lời thiên thu gọi. |
Tại Lời thiên thu gọi, sân khấu là gò đất cao với một cây cổ thụ lớn như nói lên sự cô độc giữa nhân gian của Trịnh. Và chủ đề Lời thiên thu gọi của đêm diễn cũng gợi ra nhiều ý nghĩa…
Hơn 10 bài hát Trịnh Công Sơn tại đêm nhạc Lời thiên thu gọi, trong khuôn khổ Festival Huế 2010 đã được các ca sĩ Ánh Tuyết, Thủy Tiên, Thụy Long ngẫu hứng trình diễn.
Không có một sân khấu hoành tráng, chỉ với cây guitar của Đức Thịnh và tiếng piano tài hoa của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, đêm nhạc vẫn thu hút gần 1.000 khán giả ngồi chật cứng vườn Cơ Hạ, Đại Nội Huế.
Những ca khúc Trịnh Công Sơn cất lên trên đồi cao, dưới tán cổ thụ lao xao lá rụng. Nhiều đôi bạn trẻ nhường ghế lại cho những người lớn tuổi, lui ra bãi cỏ, tựa đầu vào vai nhau khi những ca từ trong Chiều một mình qua phố, Để gió cuốn đi, Diễm xưa, Cát bụi, Gọi tên bốn mùa... được ngân lên trong không gian ấm áp, giản dị, yêu thương đúng như ca từ trong âm nhạc của người cố nhạc sĩ.
Đặc biệt, trước khi hát bài Đường xa vạn dặm không nhạc đệm, Ánh Tuyết bộc bạch với khán giả, đây là bài hát được cố nhạc sĩ viết ngay khi mẹ vừa qua đời, ông đã đốt bài hát chôn theo mẹ. Lúc đó, anh chị em nghệ sĩ vì tiếc cho một bài hát hay và mang nặng yêu thương nên đã nhảy vào dập lửa: “Mẹ bỏ tôi đi, đường xa vạn dặm - mẹ bỏ con đi, đường xa mịt mùng...”. Những giọt nước mắt đã rưng rưng trên khóe mắt của nhiều mái đầu điểm bạc.
Đứng hát nhạc Trịnh trên ngọn đồi của vườn Cơ Hạ, nhìn sang bên kia là Duyệt Thị Đường, trước kia là Trường Âm nhạc Huế, nơi lưu nhiều kỷ niệm thời xa xưa của Ánh Tuyết, nữ ca sĩ bâng khuâng xáo trộn nhiều nỗi niềm.
Trở về Huế với chương trình dành riêng về Trịnh Công Sơn trong khuôn khổ Festival Huế 2010, ca sĩ Ánh Tuyết bộc bạch: “Khi thực hiện bất cứ chương trình nghệ thuật nào, Ánh Tuyết cũng muốn mang đến cho người nghe không gian của nghệ thuật thật sự với ý nghĩ khán giả đến để thưởng thức những tác phẩm hay chứ không phải xem ca sĩ diễn hay một sân khấu thật lộng lẫy.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn rất đời thường, chính vì vậy không đòi hỏi nhiều điều kiện âm thanh, ánh sáng, sân khấu mà càng mộc mạc, càng chân phương bao nhiêu thì ca từ của ông càng đi vào lòng người bấy nhiêu...”.