> 411 tỷ đồng dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng
Con gái mẹ Thứ là bà Lê Thị Trị (ngoài 80 tuổi) cũng là mẹ VN anh hùng, nói: “Xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui đâu. Có xây thì nên làm vừa sức thôi, đừng phung phí mất đi ý nghĩa sâu xa của nó”.
Mẹ Trần Thị Phẩm gần 50 năm qua dè sẻn từng đồng ở huyện đảo Lý Sơn để dành tiền góp vào quỹ khuyến học giúp trẻ nghèo của xã: “Xây tượng đài to cho mẹ làm chi, các chú hãy giành tiền giúp tụi nhỏ ở vùng sâu, vùng xa đến trường thì tốt hơn”.
Mẹ Nguyễn Thị Thư ở Quảng Ngãi: “Nếu Nhà nước làm tượng đài tri ân các mẹ thì xây nho nhỏ thôi, nên dành tiền để chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ sống neo đơn trong tuổi già”.
50 ngàn bà mẹ anh hùng của nước Việt xứng đáng có một tượng đài để tôn vinh mãi mãi, xứng đáng được hưởng chính sách đãi ngộ tốt hơn nữa, xứng đáng được thế hệ muôn đời sau báo hiếu. Nhưng cách suy nghĩ của người mẹ bao giờ cũng bao dung rộng lượng hơn. Con cái đưa nhiều tiền chưa hẳn đã là sự báo hiếu mà người mẹ cần. Thêm nữa, để có sản phẩm tốt thể hiện lòng hiếu thảo, người con phải huy động kêu gọi chỗ này chỗ kia – như lời của một vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thì người mẹ có lẽ buồn nhiều hơn vui.
Hệt như có lần đứa con nghèo khó mua một hộp sữa ngoại đắt tiền tặng mẹ, mẹ nhắc tiêu xài vừa phải thôi, còn dành tiền nuôi cháu của mẹ. Nhưng, khi dùng hết sữa, mẹ giữ cái hộp đến là lâu. Thì đây, mẹ Võ Thị Khá 90 tuổi, ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, người từng từ chối căn nhà tình nghĩa để nhường cho mẹ VN anh hùng khác nghèo khổ hơn, đã nhỏ nhẹ nói: “Làm tượng đài gì mà tốn kém thế, xây vừa tiền thôi, số còn lại nên dành để chăm sóc trẻ mồ côi, tàn tật, giúp các cháu nghèo đến trường thì có ích nhiều hơn. Nước mình còn nhiều địa phương nghèo khổ lắm”.
Mẹ nói không muốn, vì lòng mẹ còn lo cho nhiều đứa con khác vẫn khổ. Lời mẹ nói, những người muốn dựng tượng đài, nói là để thể hiện lòng hiếu thảo với mẹ, có nghe không?