Lời giải cho vỉa hè

TP - Sau nhiều ngày ra quân xử lý vi phạm vỉa hè ở hai đô thị lớn nhất cả nước, khởi đầu là TPHCM, tiếp sau là Hà Nội mấy ngày qua, không hẹn mà gặp chính quyền hai thành phố đều tuyên bố sẽ tìm cách lo liệu cho những người dân mưu sinh nhờ vỉa hè.

Quận 1 TPHCM thì đang có đề án lập phố bán hàng rong, còn phường Hàng Đào ở Hà Nội thì đang xem xét có thể linh động, tạo điều kiện trong giới hạn cho phép, làm sao vừa đảm bảo an sinh, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn được sử dụng một phần diện tích ở đầu ngõ, bờ tường ngõ để kinh doanh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu quan điểm, xử lý vỉa hè phải gắn với văn hóa người dân, không làm theo phong trào mà phải bài bản, có tình, có lý, thực hiện đầy đủ các bước, từ vận động, tuyên truyền đến đưa ra lộ trình tự khắc phục. 

Còn mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cũng chỉ đạo: “Siết vỉa hè nhưng phải tạo việc làm cho dân”;  “Đừng nghĩ người buôn bán ở vỉa hè chỉ là mưu sinh. Bao năm qua họ cũng có góp sức về nguồn lực cho thành phố”.

Kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè chắc chắn là một chủ trương đúng đắn, vấn đề là cách làm như thế nào để tạo hiệu quả bền vững, thấu tình đạt lý để người dân tự giác chấp hành.

Nhìn nhận và giải quyết câu chuyện về vỉa hè không thể tách rời trình độ phát triển về kinh tế - xã hội cùng các yếu tố văn hóa, lối sống liên quan. Một đô thị mà phương tiện giao thông chủ yếu của người dân vẫn là những chiếc xe máy, không tàu điện ngầm lẫn tàu điện nổi, hẳn “văn hóa” xe máy sẽ kéo theo cả “nền kinh tế” vỉa hè phát triển. 

Thói quen tấp vô lề đường làm chén nước, ly cà phê, mua bán nhu yếu phẩm... sẽ không dễ từ bỏ với những người đi xe máy. Còn nhớ một thời, nhiều tuyến phố ở Hà Nội, người mua hàng phải dựng xe máy tận vào trong cửa hàng trên mặt phố vì vỉa hè cấm dựng xe. Tuy nhiên, quy định đó đã nhanh chóng thất bại vì tính bất cập và không thực tế của nó.

Một đô thị chưa có vận chuyển công cộng khối lượng lớn như tàu điện ngầm, chắc hẳn thói quen đi bộ và tác phong đúng giờ trong dân chúng sẽ khó có điều kiện hình thành và phát triển so với các đô thị khác.

Một đô thị mà tình trạng quá tải hạ tầng nặng nề như Hà Nội và TPHCM, mức sống và thu nhập của người dân còn chưa cao như Singapore, hẳn mong muốn biến một khu vực nào đó thành “Singapore thu nhỏ” cũng không dễ.

Một giải pháp phù hợp và khả thi nhất, đó là đảm bảo trật tự kỷ cương đô thị, giành vỉa hè cho người đi bộ nhưng cần tính đến trình độ phát triển về kinh tế và văn hóa của xã hội. Và đó chính là cách “giải bài toán vỉa hè” của cả Hà Nội và TPHCM hiện nay.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.