Nhóm chuyên gia của Đại học Hawaii, Mỹ, phát hiện loài cá này trong chuyến thám hiểm từ 9/11 đến 9/12 tại khu vực rãnh Mariana ở phía tây Thái Bình Dương, rãnh đại dương sâu nhất thế giới từng được biết đến. Đại học Aberdeen, Anh, là đơn vị hỗ trợ phương tiện lặn sâu.
Theo Telegraph, đây là loài cá chưa xác định. Vây cá giống cánh và phần đuôi giống đuôi lươn. Nó sống ở độ sâu hơn 8.100 m, đánh bại kỷ lục 7.700 m của loài cá nòng nọc hồng được tìm thấy ở rãnh Nhật Bản, Thái Bình Dương, năm 2011.
"Chúng tôi nghĩ đây là một con cá nòng nọc (snailfish) nhưng có hình dạng và phần miệng khá kỳ lạ. Khi bơi, nó giống như có một tờ giấy ướt đang trôi nổi phía sau", tiến sĩ Alan Jamieson của Đại học Aberdeen nói.
Nhóm chuyên gia hy vọng phát hiện này sẽ mở ra nhiều thông tin nghiên cứu khả năng tồn tại của sinh vật trong điều kiện khắc nghiệt. "Nhiều nghiên cứu từng tiến hành ở khu vực đáy rãnh, nhưng từ mặt sinh thái học thì rất hạn chế", tiến sĩ Jeff Drazen cho hay.