Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện đề án, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố vinh dự là 1 trong 5 địa phương được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đánh giá, công nhận về công tác bảo vệ môi trường ở mức tốt năm 2020 và đứng đầu cả nước năm 2021 và 2022. Trong hai năm (2021 và 2023) thành phố đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong lĩnh vực “Thành phố môi trường thông minh xanh – sạch”.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Căn cứ kế hoạch chung các Sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, báo cáo kết quả. Trong giai đoạn 2021-2024, có 16/31 tiêu chí đã đạt được mục tiêu đến năm 2025.
Đà Nẵng thực hiện đề án Thành phố môi trường. |
Cụ thể: 100% phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trên tổng số xe buýt đầu tư mới; Chỉ số chất lượng không khí thành phố (AQI) đạt <100; 100% dân số được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 89,9% tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý theo quy định pháp luật trên tổng khối lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh; 100% khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường….
Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức được triển khai rộng rãi, qua đó đã hình thành rất nhiều các phong trào, mô hình, hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, người dân thành phố về bảo vệ môi trường, bước đầu tạo sức lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả nhất định
Công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học rừng trên địa bàn được thực hiện rất chặt chẽ và đồng bộ gắn với chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững từ cấp thành phố đến cơ sở đạt hiệu quả cao. Diện tích rừng tự nhiên tiếp tục được giữ vững, tình trạng bẫy, bắt, mua bán động vật hoang dã giảm đáng kể cả về số vụ và mức độ vi phạm. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn, phân loại rác thải tại nguồn, quản lý rác thải nhựa đạt được hiệu quả, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức trong, ngoài nước....
Nhiều bất cập trong thực hiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng chỉ rõ các tồn tại, khó khăn hiện nay trong việc thực hiện đề án.
Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới luật có hiệu lực từ đầu năm 2022 có nhiều nội dung, quy định mới và nhiều nội dung chưa rõ ràng, gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Hiện nay, Bộ TN&MT đang thực hiện chỉnh sửa, bổ sung đối với các văn bản dưới luật.
Một số tiêu chí đề án chưa đạt được, cần được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và quy định liên quan như: Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị; Số khu đô thị tập trung đạt mô hình Khu đô thị sinh thái; Số khu công nghiệp (KCN) đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chí quốc gia; Tỷ lệ che phủ rừng….
Một KCN ở Đà Nẵng nằm cạnh khu dân cư đông đúc. |
Theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, hiện nay, số KCN đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chí quốc gia đến năm 2025 đạt 1 KCN là khó khả thi. Cụ thể do một số KCN trên địa bàn thành phố đã đi vào hoạt động hơn 20 năm, dẫn đến cơ sở hạ tầng xuống cấp; nhiều cơ sở sản xuất cũ và lạc hậu; do đó gây nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái...
Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời đang gặp khó khăn, như việc cho thuê mái nhà trụ sở công chưa được quy định cụ thể theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong khi Quyết định số 13 ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam chỉ áp dụng cho các hệ thống điện mặt trời nghiệm thu đưa vào sử dụng trước 31/12/2020, hiện chưa có chủ trương, chính sách mới của Trung ương về phát triển điện mặt trời mái nhà. Việc đầu tư dự án sẽ được xem xét sau khi Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn đảm bảo các cơ sở pháp lý về hướng dẫn đầu tư, đấu nối, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà...
Một số doanh nghiệp xả thải đạt quy chuẩn cho phép nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến khu dân cư do việc quy hoạch phát triển nhà ở, chung cư xã hội, công trình văn hóa không đảm bảo khoảng cách với KCN. Trong khi đó, một số KCN được quy hoạch từ năm 1998, trước khi các chung cư xã hội được xây dựng.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt gặp một số khó khăn. Đơn cử như quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xử lý chất thải rắn theo phương thức PPP do Nhà đầu tư đề xuất bị kéo dài do Luật PPP mới ban hành, các Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn một số trình tự thủ tục, phân định nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan còn chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn đến việc thực thi còn nhiều vướng mắc, chậm thủ tục.
Việc đầu tư chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện cần vốn đầu tư lớn nên nhà đầu tư mong muốn cam kết cung cấp chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn lâu dài để nhà đầu tư yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố khi chưa có quy định pháp lý.
Do đó, mặc dù thành phố đã tổ chức thực hiện kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến nhưng vẫn chưa đưa vào vận hành được nhà máy xử lý theo công nghệ mới, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Để tháo gỡ khó khăn, thành phố đã đề xuất cơ chế đặc thù và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 136.
Hơn 15 tỷ đồng để dọn vệ sinh cảng cá lớn nhất miền Trung
UBND TP. Đà Nẵng vừa có tờ trình về dự toán kinh phí dọn vệ sinh môi trường tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2025-2027 để HĐND TP xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm.
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng dự toán kinh phí dọn vệ sinh môi trường tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang trong 3 năm tới với tổng số tiền hơn 15,7 tỷ đồng để làm cơ sở cho Sở NN&PTNT triển khai các thủ tục đấu thầu theo quy định.
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là một trong những điểm đen về ô nhiễm môi trường trên địa bàn Đà Nẵng.