Liên tục phát hiện hàng “khủng”
Bắt đầu từ những dấu hiệu thường xuyên có người đến giao hàng, nhận hàng, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, số 29 thuộc Cục QLTT TPHCM sau nhiều ngày theo dõi đã bất ngờ kiểm tra, phát hiện kho hàng trên đường Phạm Văn Chí (Quận 6) chứa gần 60.000 sản phẩm gắn mác những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Valentino, D&G… ghi xuất xứ tại Pháp, Mỹ. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ lô hàng. Theo người này, toàn bộ lô hàng do Trung Quốc sản xuất, được thu mua trôi nổi trên thị trường từ những người kinh doanh qua internet không rõ địa chỉ, chuẩn bị đưa ra thị trường TPHCM tiêu thụ dịp tết.
Cũng trong mấy ngày gần đây, Đội QLTT số 27 phối hợp cùng Phòng 9, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tiến hành khám toa xe HL71512 và toa xe G232050 của đoàn tàu SE9 tại ga Sài Gòn, Đoàn kiểm tra đã niêm phong tạm giữ 84 kiện hàng với hàng trăm ngàn sản phẩm gồm quần áo, linh kiện điện tử, giày dép có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp. Số hàng hóa này cũng chưa được chủ hàng xuất trình hóa đơn, chứng từ…
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng lậu, hàng nhái trên địa bàn thành phố, vẫn còn nhiều đối tượng quảng cáo hàng hóa, mỹ phẩm, thực phẩm “xách tay” nhan nhản trên internet, mạng xã hội. Ghi nhanh trong ngày 25/1, tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh hàng “xách tay” trên địa bàn các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 5… đều cho biết đang có nhiều mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Nhật, Mỹ, Pháp... giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm. “Hàng đa dạng, giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi món, đảm bảo an toàn, chính hãng, có xuất xứ. Chúng tôi kinh doanh bằng niềm tin nên nếu chị đồng ý thì mua, chứ không có hóa đơn gì đâu nhé” - Hương, nhân viên bán hàng website Xachtaymynhat nói.
Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng lậu
Một cán bộ QLTT từng tham gia vào vụ phanh phui lô mỹ phẩm lậu lớn nhất TPHCM trị giá hàng chục tỷ đồng (xin giấu tên) chia sẻ, để mục kích, bắt tại trận những kho hàng nghi lậu, giả, trinh sát phải nằm vùng nhiều ngày, thậm chí cả tháng để theo dõi. Theo vị này, các kho hàng, điểm tập kết thường đặt ở nơi heo hút, vắng người qua lại, nên chỉ cần một sơ hở nhỏ, trinh sát là có thể bị phát hiện ngay. Đối tượng buôn lậu cũng rất manh động, quá trình điều tra, lên phương án ập vào bắt quả tang đều phải cân nhắc, “đánh là phải trúng”.
Đủ chiêu phù phép
Theo Cục QLTT TPHCM, đa số hàng nhập lậu xuất xứ Trung Quốc, được vận chuyển về thành phố từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nam bộ. Hàng hóa nhập lậu được “phù phép” đủ kiểu dưới dạng hành lý xách tay, hàng nhập lậu chính ngạch, tiểu ngạch nhưng gian lận khi khai báo hải quan về chủng loại, số lượng, xuất xứ. Thậm chí, có trường hợp dùng xe thư báo vận chuyển hàng lậu.
Cục QLTT thành phố cho biết, đối tượng buôn lậu thường trữ hàng hóa tại các khu vực có các kho chứa, các bến bãi trung chuyển hàng hóa, sau đó chia nhỏ giao cho các điểm kinh doanh trưng bày xen lẫn với hàng hóa có hóa đơn chứng từ. Nhóm hàng nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu - bia - nước giải khát, thuốc lá, hàng hóa cấm nhập khẩu…
Các đối tượng sản xuất sử dụng nguyên liệu giá thấp trôi nổi trên thị trường, không nguồn gốc rồi pha trộn với hàng thật hoặc tự sản xuất. Sau đó hàng được dán nhãn mác, niêm phong của các nhãn hiệu đã được đăng ký. Điều đáng nói, các đối tượng bị kiểm tra hầu hết tái phạm và bị xử phạt nhiều lần. Lợi nhuận cao, hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp, kiểm tra xử lý giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, Ban quản lý chợ chưa quyết liệt, dẫn đến tình trạng hàng giả vẫn được bày bán công khai.
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng cục Hải quan TPHCM cho rằng: “Khi khai báo hải quan, các đối tượng thường khai sai tên hàng hóa nhập khẩu, trung chuyển (về số lượng, chủng loại, khai hàng hóa khác với hàng cấm…) để được ưu tiên đưa vào luồng xanh, tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn sử dụng doanh nghiệp “ma” hoặc các doanh nghiệp chuyên thực hiện buôn lậu, trốn thuế. Khi thực hiện xong các phi vụ, họ cho DN buôn lậu, phá sản, tạm dừng hoạt động, không còn địa chỉ kinh doanh...”.
Ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TPHCM nhìn nhận: “Dự báo tình hình hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên do là buôn bán hàng giả có lợi nhuận cao, người tiêu dùng thích sử dụng hàng có gắn thương hiệu nổi tiếng, giá rẻ, đẹp…”.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Bách cho hay, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra các điểm nóng, nhất là các chợ truyền thống, các bến bãi, kho hàng, trung tâm thương mại, siêu thị… nhằm có phương án xử lý. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của các địa phương để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Chỉ tính riêng trong tháng 1/2019, QLTT TPHCM đã kiểm tra 1.473 vụ chuyên ngành và liên ngành, giảm 211 vụ so với tháng trước. Tổng số vụ đã xử lý 426 vụ, thu hơn 7,58 tỷ đồng tiền phạt hành chính và tiền bán hàng tịch thu, tăng 16,26% so với tháng trước…