Đùng đùng chấm dứt thoả thuận
Theo thông tin chính thức của Lầu Năm Góc, cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Shayrat, tại tỉnh Homs của Syria diễn ra vào lúc 4h40, ngày 7/4 (giờ địa phương).
Từ biển Địa Trung Hải, các khu trục hạm Ross và Porter đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào mục tiêu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, vụ tấn công nhằm trả đũa cho vụ tấn công hóa học vừa xảy ra ở Idlib mà Washington đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ này.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, việc phóng tên lửa của Mỹ nhằm vào sân bay quân sự Syria không đạt hiệu quả bởi chỉ có 23 trong tổng số 59 tên lửa Tomahawk nhằm trúng mục tiêu.
Vụ tấn công khiến 1 kho chứa hàng hóa, 1 cơ sở đào tạo, 1 căng tin, 6 máy bay MiG-23 đang được bảo dưỡng trong lán và 1 trạm radar của sân bay Shayrat bị phá hủy.
Ngoài ra, vụ tấn công khiến 5 người thiệt mạng trong đó có 2 dân thường và 7 người bị thương.
Ít giờ đồng hồ sau cuộc không kích của Mỹ, Nga đã quyết định đình chỉ bản ghi nhớ về tránh va chạm trên bầu trời Syria, được Moscow và Washington ký kết vào tháng 10/2015.
Theo văn kiện này quân đội Nga và Mỹ có thể trao đổi trực tiếp thông tin tình báo.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitriy Peskov khi đó tuyên bố, hành động của Mỹ khiến bản ghi nhớ mất ý nghĩa. Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định, Moscow và Washington vẫn có khả năng kỹ thuật để trao đổi thông tin về các cuộc không kích trên địa bàn Syria.
Lặng lẽ nối lại kênh liên lạc
Moscow và Washington đã nối lại bản ghi nhớ về phòng tránh sự cố và đảm bảo an toàn hàng không trên bầu trời Syria hôm 13/4, ngay sau chuyến thăm chính thức Moscow của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
“Trong khi ở thăm Moscow, ông Rex Tillerson gửi tới Nga yêu cầu nối lại bản ghi nhớ an toàn bay tại Syria”, hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Moscow nối lại biên bản ghi nhớ khi Washington tái khẳng định mục tiêu chống khủng bố ở Syria.
Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Dự đoán Nikita Danyuk cho rằng quyết định của Moscow về việc chấm dứt sự hợp tác về vấn đề này “khiến Washington cảm thấy đau đớn”.
“Quyết định nối lại biên bản ghi nhớ là một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Mỹ sẽ không còn có bất kỳ hành động có ý trấn áp Syria. Chắc chắn Mỹ Washington đã nhận thức được rằng, nếu không có sự phối hợp với Moscow thì các hành động chống lại những kẻ khủng bố ở Syria chỉ đơn giản không có tác dụng.
Nếu duy trì tâm trạng tiêu cực trong quan hệ với Nga thì có thể làm trầm trọng thêm tình hình, và Mỹ sẽ là người thua cuộc.
Theo ý kiến của tôi, nếu Mỹ tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích như vậy thì, tất nhiên, không thể có những mối quan hệ đáng tin cậy, và liên minh chống khủng bố sẽ không có tiềm năng”, chuyên gia Nikita Danyuk cho biết.
Nga rút nửa quân số khỏi Syria
Người đứng đầu Ban chỉ huy tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, tướng Sergei Rudskoy ngày 26/4 cho biết, Nga đã rút gần một nửa nhóm không quân của nước này đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố tại căn cứ Hmeymim, Syria.
Theo lý giải của tướng Rudskoy, việc Nga giảm số lượng chiến đấu cơ và binh sĩ liên quan tới thực tế các nhóm khủng bố ở Syria đã giảm mạnh và không ngừng suy yếu.
Tướng Rudskoy cho biết, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, lực lượng Không quân vũ trụ Nga đã thực hiện hơn 23.000 phi vụ, tiến hành khoảng 77.000 cuộc không kích vào các cứ điểm khủng bố.
Quan chức quốc phòng Nga cũng khẳng định, nhóm không quân của Nga tại sân bay Hmeymim kiểm soát toàn bộ không phận Syria.
Trước đó, vào tháng 3/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định rút hầu hết các nhóm không quân khỏi Syria. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho chính phủ và quân đội Syria, cũng như duy trì sự hiện diện quân sự tại căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân tại Tartus.
Bất chấp những quan điểm khác nhau trong vấn đề Syria, đặc biệt là vai trò của Tổng thống Bashar al- Assad, Nga và Mỹ vẫn cho thấy họ thực sự cần nhau trong việc chung tay giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng khiến hơn 220.000 người thiệt mạng, hàng triệu người ly hương khỏi quốc gia Trung Đông này.