Người có công phát hiện ra vẻ đẹp của những vạt tam giác mạch trên quê hương mình là anh Thuận Bùi, một thanh niên địa phương đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Những bức hình nhiều cảm xúc, đẹp lung linh của anh đăng tải trên mạng xã hội, trên facebook cá nhân được hàng nghìn bạn trẻ đón nhận, chia sẻ và lôi kéo họ vượt bao con đèo, con dốc đến tận nơi vùng núi đá nơi biên ải.
Vượt nhiều đèo dốc, ngắm tam giác mạch
Chúng tôi đi từ thị trấn huyện lỵ Bắc Sơn đến thung lũng Lân Khoản (thuộc thôn Lân Gặt, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn), xa chừng trên 10 km, sau đó phải gửi xe mô tô ở nhà dân ven đường rồi cuốc bộ, vượt nhiều đèo dốc cheo leo mới đến được nơi cần đến. Trước mắt chúng tôi là từng thung lũng bạt ngàn những cánh hoa màu trắng li ti ngút ngàn, theo gió thoảng chạy đến tít chân trời xa xa…
Anh Thuận Bùi giới thiệu: “Tam giác mạch là loại cây thân mềm, hoa nở thành chùm. Cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt hình tam giác, ở giữa có một hạt mạch, vì thế được gọi là cây tam giác mạch”. Theo anh Bùi, quê anh có hai loại tam giác mạch được phân bố khá riêng biệt, loại hoa màu trắng ở xã Trấn Yên; loại màu hồng nhạt có nhiều ở xã Long Đống.
Ông Hoàng Văn Chẩn, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: Trong thời kỳ bao cấp, còn tồn tại các hợp tác xã, mọi người thi đua trồng tam giác mạch để phục vụ cuộc sống. Các nơi trồng nhiều là: Làng Thẳm, Làng Coóc, Làng Huyền…Đến khi hợp tác xã giải thể, diện tích cây này cũng bị thu hẹp dần, có thời điểm ngừng trồng hẳn.
Tuy vậy, từ năm 2012 trở về đây, cây tam giác mạch có dấu hiệu phục hồi trở lại ở thung lũng Khoản Đấy, Lân Khoản của xã Trấn Yên. Trong đó, Lân Khoản hiện có khoảng 5 mẫu, thuộc 4 hộ quản lý. Theo ông chủ tịch xã Trấn Yên, nếu như ở Tây Bắc, hoa cây này chủ yếu có màu hồng, màu tím thì ở đây chủ yếu là màu trắng. Chính sự khác biệt này mà nhiều người truyền tai nhau và coi đó là điều kỳ thú.
Anh Thuận Bùi ngắt một chùm hoa tam giác mạch đưa cho tôi thấy vẻ đẹp hoang sơ, chân chất, rồi bảo: “Loài cây này có nhiều tác dụng, thiết thực phục vụ cho cuộc sống thường ngày. Cây non dùng để luộc, xào, nấu canh hoặc nhúng lẩu. Khi cây ra hoa, kết hạt có thể nấu ăn như hạt gạo. Nhất là hạt tam giác mạch xay mịn trộn với ngô nấu rượu, tạo hương vị rất đặc trưng miền núi”.
Trấn Yên là vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Sơn, nơi đồng bào các dân tộc Tày, Nùng sinh sống chủ yếu. Nhờ có thung lũng hoa tam giác mạch, cuộc sống vốn hoang sơ, tĩnh lặng bỗng chốc trở nên nhộn nhịp bước chân người. Nơi đây trở thành điểm du lịch hút khách từ lúc nào không ai hay.
Chủ tịch xã Trấn Yên, ông Hoàng Văn Chẩn cho biết: “Gần một tháng qua, ngày nào cũng có nhiều đoàn du khách, bình quân có trên 100 người/ ngày tới tham quan, chụp ảnh. Trong đó, có nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành phố miền xuôi như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng…lặn lội lên Lân Khoản chỉ để chụp ảnh kỷ yếu, lưu niệm”.
Quả thực, thung lũng tam giác mạch ở Lân Khoản có một sức hút kỳ lạ. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng hoa như những tấm thảm trắng nổi lên giữa thung lũng bao la. Những ngày này nắng đẹp, thung lũng hoa thêm rực rỡ, thơ mộng. Nhiều nhiếp ảnh gia, và các bạn trẻ lũ lượt kéo nhau đến chụp ảnh cưới.
Thung lũng tam giác mạch ở Lân Khoản có một sức hút kỳ lạ. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng hoa như những tấm thảm trắng nổi lên giữa thung lũng bao la. Những ngày nắng đẹp, thung lũng hoa thêm rực rỡ, thơ mộng. Nhiều nhiếp ảnh gia và các bạn trẻ lũ lượt kéo nhau đến chụp ảnh cưới.