Rước hồn lúa về kho
Già làng Hồ Văn Xất (xã Trà Linh, Nam Trà My), cho biết: Trong đời sống tinh thần của người Xê Đăng, thần lúa là vị thần có vai trò quan trọng, được dân làng tôn kính. Dân làng tin rằng, mỗi vụ mùa thuận lợi, thóc lúa trên nương rẫy bội thu là do thần ban tặng. Ngược lại, vụ mùa thất bát là do thần lúa phạt, trách móc dân làng. Sau mỗi vụ mùa, đồng bào Xê Đăng lại tổ chức lễ hội lúa kho, cúng bái thần linh và rước hồn thần lúa về kho nghỉ ngơi.
Trong lễ hội lúa kho, người Xê Đăng tổ chức gói bánh sừng trâu, nấu rượu cần, cơm lam, mổ heo, gà để cúng thần linh và chiêu đãi các hộ gia đình khác. Cứ thế hết nhà này đến nhà khác cùng tổ chức lễ cúng lúa kho. Một số nơi có cuộc sống khá giả dân làng còn tổ chức đánh cồng chiêng để tạo thêm phần long trọng cho lễ hội.
Nghi thức cúng và rước hồn thần lúa trong lễ hội lúa kho diễn ra long trọng và tôn kính. Theo truyền thống, già làng sẽ thực hiện nghi lễ quan trọng này. Tục căng dây đưa hồn lúa về kho của đồng bào Xê Đăng vẫn còn được lưu giữ. Người dân tin rằng, theo những sợi dây, những đánh dấu dọc đường từ nương rẫy về làng, thần lúa sẽ về nghỉ ngơi tại kho để dân làng cúng bái tạ ơn.
Sau khi sửa soạn chỗ nghỉ chu đáo cho hồn lúa trong kho thóc, dân làng tổ chức ăn uống linh đình, từ nhà này qua nhà khác, từ làng này qua làng khác. Mọi người vui say và quên đi những ngày lao động mệt nhọc. Họ hò reo, ca hát, đánh cồng đánh chiêng cầu mong mùa màng sang năm được tốt tươi.
Lúa không bao giờ mất
Điều lạ là tất cả các kho thóc của người Xê Đăng đều dựng cách xa làng, không có người canh giữ, không ai bảo vệ hay chống trộm nhưng chưa hề xảy ra tình trạng mất cắp. Kho nhà nào thì nhà nấy dùng, tuyệt đối không ai xâm phạm của người khác. Kho thóc trở thành biểu tượng cho sự khá giả, đoàn kết của cả làng. Nếu làng nào, nóc nào có nhiều kho thóc thì ở đó chắc chắn cuộc sống sẽ no ấm.
Kho thóc của người Xê Đăng nằm biệt lập, xa làng và khu dân cư nhưng không bao giờ mất cắp.
Ông Đinh Văn Yến (xã Trà Vinh), cho biết: Kho thóc là gia tài của các hộ dân, là mồ hôi, công sức lao động cả năm mới tạo dựng được. Cho nên ý thức tự giữ gìn cho nhau của người dân rất cao. Từ xa xưa, các làng, các nóc đã ban hành ra những tục lệ hết sức nghiêm khắc để bài trừ kẻ xấu. Nếu phát hiện người trong làng có hành vi trộm cắp tài sản thì sẽ bị phạt nộp trâu, bò, heo…, tái phạm nhiều lần sẽ bị đuổi ra khỏi làng. Dân làng rất sợ luật làng, sợ bị phạt nên không dám động đến tài sản của người khác dù chỉ là một hạt thóc. Chính vì vậy ở những xã vùng cao như Trà Linh, Trà Cang… những kho thóc tuy đơn sơ nhưng vẫn đứng vững, yên bình theo năm tháng.
Ý thức cộng đồng
Thóc được bảo quản trong kho, sạch sẽ, người dân tin rằng thần lúa ngự trị ở đó.
Hiện nay, tại Nam Trà My ngoài kho thóc của từng hộ gia đình, người Xê Đăng đã biết gọi nhau lập nên những kho thóc cộng đồng. Sau mỗi vụ mùa, các hộ dân trong làng đều đóng góp thóc, lúa, ngô để dự trữ giúp đỡ cho những hộ gặp khó khăn, những khi dân làng hoạn nạn. Người dân cũng đã biết làm những kho thóc bằng chất liệu mới thay cho tranh, tre như trước để bảo quản lương thực được nhiều hơn, lâu hơn, không bị ẩm mốc. Và nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên có nhiều hộ phải dựng tới 3 nhà kho mới chứa hết lúa ngô làm ra… Nhưng dù kiên cố hay đơn sơ, người dân nơi đây vẫn tin rằng thần lúa luôn ngự trị ở đó, nên rất mực tôn kính, quý trọng từng hạt lúa làm ra. Tất cả đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo của người dân Xê Đăng giữa núi rừng.
Các già làng cho biết, kho thóc xa làng do trước đây tập tục sinh sống trong nhà sàn có bếp lửa cháy quanh năm suốt tháng, vào mùa sản xuất, cả làng đi nương đi rẫy nên tình trạng lửa bùng phát cháy làng xảy ra liên tục. Các làng thường được dựng bên các dòng sông, vào mùa mưa lũ, sạt lở, lũ quét luôn đe dọa đến cuộc sống dân làng.
Kho sạch hơn nhà
Kho thóc còn dùng để chứa hạt giống, phục vụ cho sản xuất nương rẫy trường kỳ trong nhân dân… Cho nên tất cả các hộ gia đình phải làm kho thóc xa nhà để bảo vệ nguồn sống. Kho được gìn giữ, thường xuyên quét dọn sạch sẽ hơn cả nhà mình.