Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, việc lấy ý kiến được hoàn thiện trong sáng ngày 17/11 để Ban Thư ký tổng hợp báo cáo Quốc hội
Trước đó, khi thảo luận về 2 dự án luật trên, các đại biểu đã thể hiện quan điểm trái chiều về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách luật trên là không phù hợp, thiếu đồng bộ, chưa báo cáo đánh giá tác động một cách đầy đủ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thể hiện quan điểm khác nhau trước việc chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Trước vấn đề này, nhiều đại biểu khi thảo luận đã đề nghị Quốc hội lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung trên.
Chiều 16/11, kết luận phiên thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, một số ý kiến tán thành với việc ban hành luật và cho rằng cần thiết phải có một dự án luật chuyên biệt về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời rà soát để tránh trùng lặp với Luật Giao thông đường bộ.
Về vấn đề này, trong kết luận phiên họp thứ 48 khi đồng ý bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật và để trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “việc Chính phủ tách nội dung giao thông đường bộ thành 2 luật riêng biệt cần phải cân nhắc thật kỹ và xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10”, do đó vấn đề này Quốc hội sẽ quyết định.
Liên quan đến vấn đề quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau, được nhiều đại biểu phát biểu cả ở phiên họp sáng nay và chiều hôm nay.
Việc phân công bộ nào quản lý phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phải đánh giá một cách khách quan, tổng thể, đánh giá kỹ trên cơ sở thông tin, số liệu cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm của nước ngoài, xu hướng xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này. Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội như đã kết luận.