Tranh cãi 'quyền anh, quyền tôi'

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh :QH
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh :QH
TP - Ngày 16/11, Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ, ai quản lý, đào tạo, cấp phép lái xe là những vấn đề lớn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, rất nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) ra thành hai dự án Luật GTĐB (sửa đổi), do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, do Bộ Công an chủ trì.

Tranh cãi 'quyền anh, quyền tôi' ảnh 1 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh: QH

Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), dự án Luật GTĐB sửa đổi chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua, tên của luật là Luật GTĐB sửa đổi, nay tách thành 2 dự án luật. Việc này chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Đại biểu Dung đề nghị chưa vội thông qua, mà trình dự án luật trong kỳ họp Quốc hội khoá XV. Đề xuất này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều đại biểu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, không nên tách thành một luật riêng, vì an toàn giao thông bao gồm cả phương tiện, công cụ, các quy tắc điều chỉnh hành vi giao thông. Theo kinh nghiệm, dùng một bộ luật sẽ tiện lợi cho người dân rất nhiều, còn khi thấy nhiều luật, nhiều quy định sẽ dẫn đến tản mát. “Tôi cũng đi taxi nhiều, tôi hỏi mấy ông taxi, không thấy ai đồng ý chuyển việc cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu tách riêng về GTĐB, vậy có thêm các luật về giao thông đường thủy, đường hàng không hay không? “Tách ra như thế không khác gì tách con ra khỏi mẹ, cắt gan ghép vào thận”, đại biểu Nhưỡng ví von và cho rằng, việc tách ra sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nảy sinh xung đột thẩm quyền, nhiệm vụ. Từ đó, có thể xâm hại quyền lợi của nhà nước, người dân, gây lãng phí các nguồn lực và dẫn câu chuyện “quyền anh, quyền tôi”. Đề nghị giao Chính phủ xem lại, theo ông Nhưỡng, nếu có tách hai luật thì nên chuyển CSGT về Bộ GTVT. 

“Người còn giả nói gì giấy phép lái xe”

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, lý lẽ về việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe  từ Bộ GTVT sang Bộ Công an chưa thuyết phục. Hiện ngành GTVT có khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức đang làm nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này. Nếu chuyển sang Bộ Công an phải sắp xếp cho lực lượng lao động này. Trong khi Bộ Công an lại phải bổ sung thêm lực lượng để tiếp nhận công việc mới. Ngoài ra, toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành GTVT có nguy cơ bị lãng phí. Trong khi đó, ngành công an tiếp tục phải đầu tư trang thiết bị bổ sung, gây tốn kém.

“Thực tế hiện nay, hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có làm giả, thậm chí có cả tiền giả. Giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, sổ hộ chiếu, chứng minh nhân dân cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Nếu cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan này, lại chuyển sang cho cơ quan quản lý khác, rất không hợp lý, sẽ gây rối xã hội”, đại biểu Sinh nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt câu hỏi: Ai dám bảo đảm, khẳng định và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ sang Bộ Công an thì không có giấy phép lái xe giả, tai nạn giao thông giảm, trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh nhân dân...?

“Tôi rất hoan nghênh, cảm kích ngành công an dù bận trăm công ngàn việc, lại toàn những việc quan trọng, nhưng không ngại khó khăn mà vẫn gánh vác thêm nhiều trọng trách trong xã hội. Nhưng dân gian có câu, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Hiện nay, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm ma túy, trộm cắp, băng nhóm tội phạm... vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, chưa được kiềm chế một cách có hiệu quả. Lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ của mình giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, để quốc thái dân an thì nhân dân cảm kích, tôn vinh lắm rồi mà không cần nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác”, ông Hận nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hai dự án luật có sự trùng lắp rất nhiều. Vậy tại sao phải tách ra làm hai luật mà không phải thành một luật cho dễ thực hiện? Về làm giả giấy phép, theo ông Hòa, dù cơ quan nào quản lý cũng khó tránh khỏi. “Dư luận cho rằng, giao cho công an giống như vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa cấp phép, vừa kiểm tra, xử lý, có thể tiêu cực xảy ra. Nếu đã nói bằng giả thì thứ gì bọn tội phạm cũng làm giả được. Con người còn làm giả nói gì giấy phép lái xe”, ông Hòa cho hay.

Tách luật không phải chia quyền?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, vấn đề tách hay không tách luật, cả mặt lý luận khoa học cũng như thực tiễn là chuyện hết sức bình thường. Còn chuyện đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật không phụ thuộc vào chuyện tách hay không tách.

“Tôi làm hai khóa Quốc hội, tôi thấy chuyện tách luật cũng là chuyện hết sức bình thường, Quốc hội thường xuyên làm. Trước đây, Luật Đầu tư rồi bây giờ có Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công là chuyện hết sức bình thường”, ông Hồng nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói, các thành viên Chính phủ sẽ có giải trình kỹ hơn về các vấn đề liên quan. Trên nền tảng góp ý cả hai luật, Chính phủ và Quốc hội sẽ quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tới. Về thời điểm ban hành, ông Thể mong Quốc hội xem xét bởi vì nội dung hai luật tương đối đầy đủ, cũng bóc tách từ Luật GTĐB cũ. Đồng thời mong muốn được Quốc hội ban hành luật ngay trong khóa XIV này. “Nếu để sang Quốc hội khóa XV, chúng tôi e rằng có thể kéo dài một năm nữa và như thế những vấn đề bất cập hiện nay không được giải quyết”, ông Thể nói.

Tiếp thu, giải trình, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông khỏi Luật GTĐB xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Ông Lâm nói, giao trách nhiệm cho Bộ Công an, sẽ không tăng biên chế, không tăng thủ tục hành chính. Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, việc tách các dự án luật, trên thực tế không có gì mới. Trước nay đã có nhiều luật được tách, ví dụ như Luật Đầu tư; Luật Khiếu nại, tố cáo...đều được tách thành nhiều dự án luật. “Tách luật là việc việc bình thường nếu cần thiết, không phải là chia quyền mà đảm bảo tốt hơn cho sự an toàn của con người”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Kết luận hai phiên thảo luận, người điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói: Trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc có nên tách làm hai luật hay không; cơ quan nào sẽ chủ trì việc đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe…

MỚI - NÓNG