Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ một người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Huyền đến từ Đắk Nông không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Chị chia sẻ: “Đẹp không chỉ ở nhan sắc, đi không chỉ nhờ đôi chân, chim cánh cụt vẫn có thể bay nếu chúng ta đủ niềm tin và nghị lực”.
Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay ảnh 1
Chị Huyền được tuyên dương thanh niên yếu thế tiêu biểu tỉnh Đắk Nông

Luôn hướng về Mặt trời

Mới đây, tại huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông) diễn ra chương trình tọa đàm “Tỏa sáng nghị lực Việt” nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Khách mời chương trình có chị Nguyễn Thị Huyền (33 tuổi), một trong những thanh niên yếu thế tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông.

Chị Huyền quê ở Đắk Mil (Đắk Nông), hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM. Dù đôi chân bị cong teo, việc đi lại phải nhờ người khác hỗ trợ, song bằng nghị lực của bản thân, chị đã vươn lên, trở thành chuyên viên đào tạo Content Chuẩn SEO (nghề viết nội dung trên các kênh truyền thông), làm chủ cuộc sống và giúp nhiều người yếu thế có công việc ổn định.

Hành trình vượt lên nghịch cảnh của chị đầy chông gai và thách thức. Thế nhưng chị đã vượt qua và tin nhiều người sẽ làm được. Đó là lý do chị vượt hàng trăm cây số về quê nhà chia sẻ câu chuyện của mình.

Xuất hiện với bộ áo dài màu hồng cùng nụ cười tỏa nắng, chị Huyền chia sẻ, đã từng rất buồn, tự ti về bản thân, nhưng cảm xúc tiêu cực nhanh chóng bị triệt tiêu bởi tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ.

Năm lên 7 tuổi, chị Huyền bắt đầu làm quen với con chữ tại một lớp học tình thương. Đôi tay bị cong vẹo nên cầm được cây bút đối với chị là cả một thử thách. Những ngày đầu tập viết, ngón tay của chị bị sưng vù, song sức hấp dẫn của con chữ đã giúp chị “quên” đi nỗi đau. Làm quen với con chữ chưa lâu thì lớp học đóng cửa, chị Huyền về nhà tự học dưới sự hướng dẫn của người thân. Đến năm 15 tuổi, chị hoàn thành tốt bài kiểm tra và được vào thẳng lớp 4, tiếp tục theo đuổi con đường học tập.

Những ngày cắp sách đến trường, chị Huyền đi nhờ trên “đôi chân” của bố. Sau nhiều năm miệt mài đèn sách, chị thi đậu vào khoa Công nghệ phần mềm, Đại học Công nghệ thông tin TPHCM, chính thức chạm vào ước mơ của mình. Song giảng đường đại học của nữ sinh khuyết tật rất gian nan. Ở nơi phố thị không người thân, chị Huyền học cách tự lập mọi thứ. Thậm chí, chị còn phải lo chi phí sinh hoạt để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Trên chiếc xe lăn, chị Huyền chủ động việc đi lại, tranh thủ thời gian làm thêm bằng nghề viết lách. Vất vả là vậy nhưng chị Huyền luôn giữ nụ cười trên môi. Chị Huyền cho rằng khó khăn chỉ là thử thách. Chị muốn truyền năng lượng tích cực cho mọi người qua chính câu chuyện của mình. Bởi với chị niềm vui sẽ đến khi ta mở lòng, hòa nhã với mọi người xung quanh.

Tuy vậy, cũng có những thời điểm, chị Huyền bị tụt cảm xúc, rơi vào bế tắc. Đó là năm 2019, chân của chị bị áp xe, một năm mổ 3 lần và đều phải “mổ sống” vì chân không phản ứng với thuốc tê. “Lúc đó tôi đã muốn bỏ cuộc. Nhưng cứ nhìn lại mẹ - người sinh ra tôi. Từ khi lọt lòng người tôi cong vẹo, khuyết tật nhưng chưa bao giờ mẹ oán trách số phận. Nhìn lại người cha bao năm ròng rã đưa tôi đến trường mà chưa một lần than mệt. Thân thể này do mẹ cha ban tặng, nụ cười này cha mẹ dưỡng nuôi, niềm tin này ở ngoài kia có rất nhiều người cần đến tôi”, chị Huyền rưng rưng kể.

Với nỗ lực trên, chị Nguyễn Thị Huyền đạt được nhiều giải thưởng, được tuyên dương, trở thành người truyền cảm hứng như: Người có câu trả lời ứng xử hay nhất của cuộc thi “Nét đẹp sinh viên” (năm 2017); Giải Nhất cuộc thi Kỹ năng thuyết trình - chủ đề Who are you? (năm 2016); top 10 cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” (năm 2019); Bằng khen của Hội LHTN Việt Nam TP Hồ Chí Minh năm 2020. Mới đây nhất, chị Huyền được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông tuyên dương Thanh niên yếu thế tiêu biểu năm 2023.

“Thắp lửa” hy vọng

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Huyền có cơ duyên với nghề Content. Tuy nhiên do bất tiện trong đi lại, chị tự mày mò, nghiên cứu tạo ra một quy trình, giáo án về Content Chuẩn SEO cho người mới. Chị Huyền tâm sự, khi khởi nghiệp, bản thân gặp rất nhiều khó khăn. Có người ái ngại vì chị bị khuyết tật. Bản thân chị “thân cô thế cô” giữa phố thị đông người nên khó càng thêm khó.

Bằng tinh thần nỗ lực của bản thân, sự động viên, khích lệ từ gia đình, sau 5 năm theo đuổi nghề Content, chị trở thành chuyên viên đào tạo chuyên nghiệp. Không chỉ giúp sinh viên sau đại học, chị còn giúp nhiều mẹ bỉm sữa, người khuyết tật có công việc ổn định. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ, làm cố vấn cho các doanh nghiệp quản lý nhân viên của mình về mảng Content, giúp họ tối ưu nhất chi phí bỏ ra để tăng doanh thu cho công ty.

Có được công việc sau khi tham gia khóa học Content Chuẩn SEO của chị Huyền, chị Phan Thị Ngân (Hải Dương) chia sẻ, bản thân cũng bị khuyết tật từ nhỏ. Do đó, chị luôn mong ước tìm được việc làm phù hợp. Cách đây khoảng 4 năm, chị Ngân quen chị Huyền qua mạng xã hội. Cả hai tìm được sự đồng cảm khi đều là người khiếm khuyết.

Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay ảnh 2
Chị Huyền bên những người thân yêu

Ngoài chị Ngân, nhiều trường hợp khiếm khuyết khác cũng tìm được lý tưởng sống qua chính cuộc đời của chị Huyền. Như chị Trần Thị Thảo (Nghệ An). Chị Thảo cũng biết đến chị Huyền qua mạng xã hội và khâm phục nghị lực của “cô gái chim cánh cụt”. Năm 2021, theo học khóa đào tạo viết nội dung số do chị Huyền đào tạo.

Theo chị Thảo, muốn viết được Content phải biết sử dụng máy tính và có chút năng khiếu viết văn. Ngày đầu học, chị Thảo chưa quen nên viết hơi lâu và chưa hay. Nhờ kiên trì, chị Thảo đã thành thục kỹ năng, nội dung Content cũng hay hơn nhiều. Hiện chị Thảo đang viết Content cho một số website. Ngoài ra, chị còn làm thêm một số công việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Chị Thảo thổ lộ, với người khuyết tật, hạnh phúc nhất là kiếm được công việc phù hợp với thể trạng và hoàn cảnh của mình. Công việc vừa cho họ nguồn thu nhập để lo cho bản thân, tạo niềm vui trong cuộc sống và quan trọng hơn để minh chứng rằng: “Tàn nhưng không phế”, người khiếm khuyết chỉ bất tiện chứ không bất hạnh.

Ngoài công việc đào tạo, chị Huyền còn sáng tạo nội dung trên các nền tảng xã hội. Chị hay chia sẻ về công việc, cuộc sống của mình lên mạng xã hội, lan tỏa những điều tích cực. “Nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống còn nhiều người không bằng mình. Hãy biết chấp nhận thực tại và không ngừng cố gắng. Đẹp không chỉ ở nhan sắc, đi không chỉ nhờ đôi chân, chim cánh cụt vẫn có thể bay nếu chúng ta đủ niềm tin và nghị lực”, chị Huyền chia sẻ.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG